Cử tri đánh giá cao Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải quyết dứt điểm các kiến nghị
- Tây Y
- 23:02 - 04/06/2018
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV
Báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày sáng nay 4/6, trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5.
Bộ LĐ-TB&XH là 1 trong 6 Bộ, ngành được đánh giá cao về chất lượng trả lời kiến nghị
Theo báo cáo, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri (giảm 357 kiến nghị so với kỳ họp trước). Trong đó, phần lớn các kiến nghị “nhắm” tới Chính phủ, các Bộ ngành (1993 trên tổng số 2.099 kiến nghị).
Kết quả, các cơ quan của Chính phủ đã trả lời 1.474 kiến nghị bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri (chiếm gần 74%), 162 kiến nghị được tiếp thu, giải quyết xong (chiếm 8%), còn 357 kiến nghị đang được nghiên cứu để giải quyết (chiếm gần 18%).
Đánh giá chung về công tác giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, 59/59 Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc này. Tất cả các ý kiến nhận xét đều cho rằng đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, bảo đảm kịp thời, đầy đủ.
Từ hồi âm của 59 đoàn đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhiều bộ, ngành đã được một số đoàn đại biểu Quốc hội khen ngợi, đánh giá cao vì đã rất tích cực giải quyết một số kiến nghị cụ thể của cử tri tại địa phương, như các Bộ: Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Nông nghiệp phát triển nông thôn (NN&PTNT); Công thương; Giao thông-Vận tải (GTVT); Tài chính; Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Một số bộ, ngành có số lượng kiến nghị cử tri nhiều, khối lượng công việc cần xem xét, giải quyết rất lớn nhưng Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, giải quyết và ký toàn bộ văn bản trả lời cử tri.
“Nhờ đó, chất lượng trả lời, số lượng các vấn đề được giải quyết dứt điểm khá nhiều, được cử tri đồng tình nhất trí, điển hình là Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (208 kiến nghị), Bộ NN&PTNT(171), Bộ TN-MT (159), Bộ GD-ĐT (148)...”, bà Hải cho biết.
UB Thường vụ cũng ghi nhận: “Nỗ lực cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị, phản ánh của của cử tri đã góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc mà người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp phải, tạo môi trường thông thoáng hơn trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh, góp phần tích cực vào những kết quả chung trong tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian qua, được cử tri ghi nhận”.
Bộ LĐ-TB&XH tích cực thực hiện CCHC, cắt giảm 64 điều kiện
Báo cáo cũng cho rằng, mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành đã rất cố gắng, nỗ lực tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề mà cử tri nêu, cũng như kiến nghị của UBTVQH, tuy nhiên, vẫn có những tồn tại hạn chế mặc dù đã được nêu rất cụ thể, có địa chỉ rõ ràng nhưng việc quan tâm giải quyết dứt điểm vẫn còn chưa thỏa đáng.
“Việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch là một trong các biện pháp để người dân thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát của mình đối với các hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương qua đó cũng góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí” - Báo cáo nhận định.
Về việc thực hiện chủ trương cắt giảm giấy phép con, điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, bà Hải đánh giá chưa được tích cực thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương. Cụ thể trong tổng số 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và 5.719 điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng đến nay, cũng mới chỉ có một số Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc.
Theo đó, Trưởng ban Dân nguyện nêu cụ thể, đến nay, mới có Bộ Công thương phê duyệt cắt giảm 675 điều kiện; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt cắt giảm 64 điều kiện (chiếm 65,30%); và Bộ GD&ĐT phê duyệt cắt giảm 110 điều kiện (chiếm 51,9%).
Báo cáo nêu thêm, còn các bộ: Xây dựng, Y tế, GTVT, Tư pháp mới chỉ đưa ra phương án để xin ý kiến. Các bộ, ngành khác chưa có thông báo dự kiến cắt giảm bao nhiêu điều kiện.