Nhiều vụ xâm hại trẻ em chỉ được xử lý khi có ý kiến lãnh đạo cấp cao
- Tây Y
- 23:44 - 05/06/2018
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều nay 5/6
Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật
Tiếp tục trả lời các ý kiến đại biểu nêu trong buổi sáng về vấn đề trẻ em, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp giơ biển tranh luận. Theo bà, về vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đang gây bức xúc dư luận. "Số liệu Bộ trưởng đưa ra là 2.000 vụ bạo hành mỗi năm, nhưng riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ rồi", bà Nga nói và đề nghị Bộ trưởng trả lời kỹ hơn, đưa ra giải pháp mạnh mẽ chặn đứng tình trạng này.
Đồng thời, bà Nga cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án TAND tối cao cùng đưa ra giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em.
Cũng liên quan đến bảo vệ chăm sóc trẻ em, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) lo ngại tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng. Ông viện dẫn só liệu, 5 tháng đầu năm 2018 đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó 562 trẻ bị xâm hại. Về nguyên nhân, 6% liên quan đến hàng xóm, người quen; 21% liên quan đến người thân trong gia đình.
"Giải pháp căn cơ, quyết liệt nào để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?", ông Tuấn đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Rất thẳng thắn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Câu hỏi của đại biểu "rất sâu sắc"!
Bộ trưởng nói, cần phân loại đối tượng để cơ quan quản lý có giải pháp kiểm soát. Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, hiện 59% xâm hại trẻ em là người thân, quen. “Vì thế, đây là diện cần quan tâm nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng này”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo đó, đưa ra giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, trước hết cần tăng cường quản lý nhà nước; tập trung phổ biến pháp luật; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong gia đình; cần sự thay đổi, tăng cường trách nhiệm của "ông bố, bà mẹ, anh chị em trong gia đình, nhà trường".
Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em; tập trung xử lý các vụ việc một cách nghiêm minh, kịp thời.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên)
"Thời gian qua việc này còn tồn tại nhất định", Bộ trưởng Dung thừa nhận và cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường biện pháp chống xâm hại trẻ em ngay trong tháng 6 này.
Vẫn chưa hài lòng với câu trả lời và giải pháp Bộ trưởng Dung, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn bấm nút tranh luận. Vị đại biểu Thành phố Hà Nội nói, đây là hành vi tội phạm đặc biệt, khó phát hiện.
"Bằng chứng mất dần qua thời gian, mà thời gian ở đây tính theo giờ, ngày chứ không phải theo tháng, năm. Do đó, việc tiếp cận tin báo, xử lý tố cáo phải làm nhanh, mạnh mẽ. Đối tượng bị hại - trẻ em khi bị xâm hại thường hoảng loạn, khó lấy lời khai. Ngoài ra, nhận thức của các cơ quan tố tụng khác nhau, chưa đảm bảo quyền lợi trẻ em", ông Tuấn nêu.
Bộ trưởng gọi điện: không đồng tình với kết quả xét xử bị cáo Thủy
Vẫn tiếp mạch tranh luận về xâm hại trẻ em, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) mong Bộ LĐ-TB&XH cần có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn vấn đề này.
Tán thành cao ý kiến đại biểu Nhưỡng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung một lần nữa khẳng định, hệ thống pháp luật cơ bản đồng bộ, rõ trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Theo Luật trẻ em, Bộ Công an hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán và tội phạm liên quan tới trẻ em; Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước; Bộ Lao động là cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi trẻ em; UBND các cấp quản lý nhà nước ở địa phương về bảo vệ trẻ em...
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)
Tuy nhiên, trưởng ngành lao động thừa nhận, thời gian qua một số vụ xử lý kéo dài, chưa nghiêm minh; nhiều vụ khi có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì mới tiến hành xử lý.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, Bộ đã chủ động có ý kiến về hầu hết những vụ việc xâm hại trẻ em. "Nhiều vụ việc tôi trực tiếp báo cáo Chủ tịch nước, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ có ý kiến", ông Dung chia sẻ.
Lấy ví dụ vụ việc Nguyễn Khắc Thuỷ xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu, Bộ trưởng cho hay, ngay khi kết thúc phiên xử, bản thân ông đã gọi điện trực tiếp trao đổi với Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao, nói rõ quan điểm "không đồng tình với kết quả xét xử cho bị cáo hưởng án treo, đề nghị 2 cơ quan tư pháp cần xem xét lại, và đã được ghi nhận".
Hay vụ nghệ sĩ hài Minh béo sau khi mãn hạn tù liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, từ nước ngoài về nước, Minh béo vẫn tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật liên quan tới trẻ em. "Cá nhân tôi và Bộ LĐ-TB&XH cũng có ý kiến vấn đề này tới các cơ quan liên quan và được chấp nhận", ông Dung nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Kiểm soát nhân dân tối cao, Chánh án toà án nhân dân tối cao tham gia giải trình thêm.
Chúng tôi sẽ thông tin tiếp về phiên chất vấn trong bài sau: Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Chánh TAND tối cao “chia lửa” với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.