THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:05

Đà Nẵng: 56/56 xã, phường thành lập tổ công tác cai nghiện ma túy

 

Thiếu chi phí cắt cơn, giải độc

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng, hiện tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố đều đã thành lập Tổ công tác cai nghiện để tổ chức thực hiện cai nghiện tại gia đình - cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là công việc còn khá mới mẻ đối với các xã, phường, trong khi đó người nghiện chưa thực sự tự giác đăng ký cai nghiện nên phần lớn các xã, phường vẫn chỉ áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại gia đình - cộng đồng.

Trong khi công tác cai nghiện tại gia đình- cộng đồng còn những bỡ ngỡ thì việc thực hiện cắt cơn, giải độc tại nhiều cơ sở lại gặp những trở ngại, khó khăn về mặt kinh phí.

Theo đánh giá phần lớn các gia đình và bản thân người cai nghiện đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không đủ khả năng chi trả chi phí khoảng hơn 2 triệu đồng/người/lần như phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê thực hiện cắt cơn, giải độc cho người cai nghiện tại Bệnh viện tâm thần. So với mức hỗ trợ được quy định như hiện nay là 400.000 đồng/người/lần, nhiều gia đình cho rằng, với khoản chi phí này, rất khó để họ có thể cho người nghiện điều trị cắt cơn, giải độc.

Cai nghiện ma túy tại gia đình- cộng đồng còn nhiều khó khăn (ảnh minh họa)

Không chỉ gặp khó khăn ở chính bản thân, gia đình có người nghiện, việc cắt cơn, giải độc cho người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng của các Trung tâm Y tế quận cũng gặp phải những hạn chế do chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, nhân lực. Thậm chí lo ngại người nghiện ma túy có thể làm ảnh hưởng đến các đối tượng đang khám chữa bệnh thông thường tại các Trung tâm Y tế, khó kiểm soát việc thẩm lậu ma túy, người cai nghiện không tự giác tuân thủ thực hiện các quy định hiện hành...

Quản lý sau cai còn nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác cai nghiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như việc xem xét hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn còn chậm do một số thủ tục rườm rà.

Một số địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện nên công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng còn nhiều sơ hở. Đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện chưa được đào tạo một cách bài bản, có hệ thống nên quá trình triển khai còn không ít lúng túng.

Ngoài ra, có trường hợp khi lập hồ sơ, do người nghiện không hợp tác nên việc lập hồ sơ bị kéo dài mới chuyển đến tòa án. Ông Hiệp cho rằng, hiện nay sự phối hợp giữa các cơ sở điều trị Methadone với các địa phương chưa chặt chẽ nên việc quản lý người nghiện trong diện điều trị Methadone cũng còn nhiều bất cập. Các Trung tâm y tế hiện vẫn chưa nắm vững quy trình tiếp nhận hồ sơ, tổ chức điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện.

Việc thiết lập hồ sơ quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú của một số địa phương chưa đầy đủ, thiếu các biểu mẫu như Phiếu quản lý, Phiếu theo dõi, đánh giá, xếp loại hàng tháng người sau cai nghiện, có thể kể đến như xã Hòa Phước, Hòa Ninh huyện Hòa Vang; phường Thanh Bình quận Hải Châu; Hòa Hải quận Ngũ Hành Sơn, Hòa Phát quận Cẩm Lệ...

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, đa số người sau cai không thường xuyên ở nơi cư trú nên gây không ít khó khăn trong công tác kiểm soát và quản lý. Bên cạnh đó, phần lớn gia đình của người sau cai chưa có tinh thần tự giác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc quản lý, giúp đỡ con em mình.

Như vậy, để thực hiện mục tiêu thành phố “5 không, 3 có”, trong đó có nội dung “không có người nghiện ma túy tại cộng đồng”, bên cạnh những cách làm riêng đã đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác cai nghiện tại địa phương, vẫn rất cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, ngành trên toàn thành phố cũng như chính bản thân những gia đình có người nghiện ma túy cùng chung tay, góp sức thực hiện.


Bùi Minh/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh