THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:21

"Công Binh – đêm dài Đông Dương”: Những thân phận bị lịch sử lãng quên

 

Công Binh – Đêm dài Đông Dương là phim tài liệu mới nhất của đạo diễn Lê Lâm. Tác phẩm nằm trong dự án phim về Đông Dương của tác giả. Bộ phim ghi lại một trang lịch sử bị giấu kín về cuộc sống bi thảm của hai vạn lính thợ Việt Nam bị chính quyền thực dân động viên, cưỡng bức sang Pháp thay thế công nhân Pháp trong các công xưởng sản xuất phải ra trận chống phát xít Đức.

                                       Hình ảnh trong phim (ảnh: Tư liệu).

Dẫn lời của 20 nhân chứng trong số 20.000 thanh niên Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm công binh, bộ phim dài 116 phút là một phát hiện đau xót cho thân phận những con người bị lãng quên trong quá khứ và trong thời điểm hiện tại. Suốt hai tháng ròng lênh đênh trên hải trình sang hỗ trợ Mẫu quốc, họ phải ở trong tầng ngầm phía dưới nơi nhốt những con bò. Nơi ẩm thấp, chật chội, hôi thối bởi phân bò và đặc biệt thiếu không khí. Không ít người bị chết trước khi cập đất liền vì đói khát, say sóng liên tục, thiếu không khí và ánh sáng. Trong khoảng thời gian sống trên đất Pháp, họ bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ phải làm việc cực nhọc, không công như một người tù khổ sai trong những công xưởng chế tạo súng ống, đạn dược, các công xưởng làm gỗ và những cánh đồng muối. Nhiều người trong số họ chết do bị nhiễm độc hoá chất, đói rét và bệnh tật.

Sau khi Pháp đầu hàng Đức, số phận của những người lính thợ này càng thêm bi thảm. Bị hiểu lầm là lính đánh thuê, họ bị quân đội Hít-le hành hạ, đày ải và bị các ông chủ bù nhìn Pháp bóc lột thậm tệ. Không đủ gạo để ăn, họ phải ăn lá táo, cỏ bồ công anh chống đói. Họ phải làm việc mà không có bảo hộ lao động. Họ bị trừng phạt bằng những ngón đòn thâm độc, bị lừa gạt tiêm nước lã khi bệnh tật,…Họ nhận nhiều đau thương hơn là được vinh danh công trạng khi chính họ là những người đầu tiên trồng lúa, làm ra hạt gạo ở Carmague.

Sống trên đất Pháp nhưng lòng họ vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Họ đã góp công sức không nhỏ trong việc ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, họ là những người thợ tài giỏi góp phần xây dựng đất nước như hoạ sĩ Lê Bá Đảng, lương y Nguyễn Huy Cương,… Tuy vậy, một số người khi về nước đã bị hiểu lầm là kẻ phản quốc vì từng làm việc cho Pháp.

Đạo diễn Lê Lâm (trái) và nhà sử học Dương Trung Quốc trong buổi toạ đàm về bộ phim chiều 15.06 tại L'espace. ( ảnh: Thanh Mai)

Cuộc gặp gỡ của đạo diễn Lê Lâm với những nhân chứng cuối cùng còn sống được ông coi như tâm sự của người con với người cha, giúp họ chia sẻ những câu chuyện của quá khứ chưa một lần được lắng nghe và thông cảm. Suốt 70 năm qua, họ chờ đợi được gột rửa một lớp bụi ký ức oan ức, đau thương như chạy đua với lịch sử. Xuyên suốt thước phim tài liệu, ngoài bằng chứng là các số liệu khô khan, dẫn chứng về cuộc sống tàn khốc; còn thấm đẫm nước mắt và những cảm xúc chua xót, đắng cay của những thân phận người ngày càng già nua, còm cõi trong lớp áo thời gian. Bằng tất cả niềm thương cảm và nhiệt tâm của người làm nghệ thuật, đạo diễn Lê Lâm đã làm rất tốt vai trò dẫn dắt câu chuyện. Để người xem được tìm đến sự thật và tự soi chiếu chính bản thân mình trong đó.

Điểm nhấn đặc biệt trong phim nằm ở chỗ kể một hiện thực lịch sử bằng cách lồng ghép các yếu tố văn hoá đạt đến độ tinh hoa. Trong phim, đạo diễn Lê Lâm đã sử dụng nghệ thuật múa rối nước đặc trưng của Việt Nam. Sáng tạo có tính ẩn dụ vừa mang lại hiệu quả trong việc dẫn dắt người xem, kết nối các sự kiện mà còn ám chỉ một thông điệp hết sức sâu cay: 20.000 công binh là những con rối bị điều khiển bởi chính quyền thực dân. Yếu tố văn học qua việc dẫn trích tác phẩm Những người đau khổ trên trái đất (Franz Fanon), Diễn văn của chủ nghĩa thực dân ( Aime Cesaire); yếu tố điện ảnh với trích đoạn Chị Dậu của đạo diễn Phạm Văn Khoa góp phần tạo nên một cơ sở lý luận vững chắc và đanh thép để luận tội bọn thực dân. Qua đó, lên tiếng bênh vực những thân phận nhỏ bé, cùng khổ - công binh.

Dưới nền nhạc của Lê Cát Trọng Lý, từng trang lịch sử dần được hé mở. Mang đến nhiều dự cảm sâu sắc về hành trình tìm lại danh dự cho những người lính của đạo diễn Lê Lâm: " Tôi chỉ muốn tìm lại nhân phẩm cho họ và hậu duệ của họ." Khúc thâm trầm gợi cho người xem nhiều xúc cảm bâng khuâng, day dứt, khắc khoải với những ca từ như “ Em sinh ra lạc thời”, “Thế thời. Thời thế”… Như một khúc vĩ thanh lên tiếng thanh minh cho số phận. Những khúc không lời rộn ràng, cao trào mở ra từng dòng hồi ức về một cuộc sống biết tự động viên, biết chiến đấu để sinh tồn, đấu tranh để tự do và yêu thương dân tộc của người lính công binh.

Nhận định về Công binh – đêm dài Đông Dương, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “ Lê Lâm thật khéo léo khi lựa chọn ngôn ngữ của điện ảnh để làm nổi bật những vấn đề của quá khứ một cách thật sắc sảo và thuyết phục. Câu chuyện của Lâm nhắc nhở chúng ta đừng quên những thân phận con người trong lịch sử. Ngày hôm nay chúng ta cần nhắc lại nó để khắc phục lỗi lầm trong quá khứ." Ông cũng tin rằng giới sử học trong nước nên hướng đến một lối biên soạn lịch sử mới, để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có cách nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về lịch sử.

Bộ phim là một sự lật mở có phần mạnh dạn, táo bạo, vạch trần trực diện những sự thật lịch sử bị khuất lấp. Cảnh quay chân thật với các góc quay đạt đến độ hoàn thiện về bố cục, mang điểm nhãn của tinh thần tôn trọng sự thật và trân quý những giá trị văn hoá giàu bản sắc dân tộc của tác giả. Hình ảnh cuối cùng kết thúc phim có tính chất tương hỗ, đặt ra câu hỏi về những giá trị lịch sử và văn hoá giữa các thế hệ người Việt. Bởi vậy, tác phẩm xứng đáng đoạt giải Licorne d’Or tại liên hoan Phim Amiens năm 2012 và đoạt giải Nhất của Hội đồng Giám khảo của  Liên hoan Pessac cùng với hai đề cử tại Festival Amterdam lần thứ 25 và Festival phim Hồng Kông lần thứ 37.


 

Đạo diễn Lê Lâm sinh năm 1948 tại Hải Phòng, ông sang Pháp du học ngành Toán học từ năm 1966 tại trường Bách Khoa (École Polytechnique) nhờ chương trình học bổng. Ông không còn xa lạ với giới điện ảnh Việt Nam, đặc biệt với vai trò là đạo diễn, biên kịch của nhiều tác phẩm xuất sắc về Đông Dương như Long Vân Khánh hội (1981), Đế chế tàn vụn (1984), 20 đêm và Một ngày mưa (2006) và gần đây nhất là “Công Bình, đêm dài Đông Dương”. giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế, nhận Huân chương Hiệp sĩ nghệ thuật và văn học do Bộ Văn hóa Pháp trao tặng. Lê Lâm còn là giáo sư giảng dạy ở Idhec (La Fémis) từ năm 1986 - một trong những trường điện ảnh danh tiếng nhất ở Pháp.

 

Thanh Mai

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh