THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:01

Thời khó của phim truyền hình

Một thời vàng son

Nếu những năm đầu xã hội hóa truyền hình xuất hiện nhiều hãng phim truyền hình tư nhân và kèm theo đó, các cuộc cạnh tranh giành giờ phát sóng trên đài truyền hình lớn đã khiến tình hình sản xuất phim truyền hình trở nên sôi động, náo nhiệt. Có thể xem, đó là thời kỳ vàng son của phim truyền hình và là giai đoạn mà diễn viên truyền hình nổi tiếng hàng loạt nhờ vào việc chạy show đóng phim.

Vài thập kỷ trước, phim Việt luôn được trông đợi và là một trong những yếu tố hấp dẫn khiến hầu hết các khán giả màn ảnh nhỏ muốn bật ti vi mỗi tối. Đi đến đâu cũng thấy người ta bàn tán nội dung, tình tiết và các diễn viên trong bộ phim đang phát sóng. Trước nhu cầu và tình cảm của người xem dành cho phim Việt, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong mở ra “Giờ vàng phim Việt”, sau đó lần lượt một số đài truyền hình cũng dành giờ vàng cho phim Việt. Phim Việt được ưu ái lên sóng truyền hình những khung giờ đẹp nhất, doanh thu quảng cáo từ phim Việt luôn là nguồn thu đứng đầu của các đài truyền hình. Ngoài hai hãng phim của hai đài truyền hình lớn là HTV và VTV, các hãng phim tư nhân lần lượt ra đời. Phim Việt được sản xuất ào ào, nhưng giờ phát thì có mức độ, mà phim và hãng phim thì quá nhiều, ai cũng tranh giành mọi cách để phim của mình được lên sóng, nên nhà đài phải tổ chức đấu thầu giờ phát sóng phim Việt. Vào thời đỉnh điểm, HTV có đến gần 60 đối tác là các nhà sản xuất phim tư nhân. Lịch phát sóng phim Việt trên kênh này luôn kín trong hai năm liên tiếp, nên khó có nhà sản xuất mới nào có thể chen chân, đưa phim mình vào ở thời điểm ấy. Để tránh rủi ro, nhà đài ngoài đấu thầu, còn phải chọn mặt, chỉ tên một số đơn vị tư nhân mà đài biết rõ tiềm lực kinh tế và uy tín trong làm việc.

Cảnh trong phim “Cổng mặt trời”.

Thời kỳ này, nhiều phim truyền hình Việt do tư nhân sản xuất đã chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ, góp phần đưa tên tuổi một số diễn viên lên hàng nổi tiếng hiện nay như “Vòng xoáy tình yêu” đưa cặp đôi Cao Minh Đạt - Thanh Thúy thành cặp đôi đẹp được yêu thích nhất màn ảnh nhỏ. “Gọi giấc mơ về” đưa gương mặt ca sĩ Minh Hằng thành diễn viên sáng giá. “Cổng mặt trời” giúp Hòa Hiệp và Lương Thế Thành trở thành những diễn viên nam được yêu thích và được nhiều đạo diễn săn đón. “Tuyết nhiệt đới” đánh dấu con đường trở thành diễn viên chuyên nghiệp của người mẫu Anh Thư. “Bỗng dưng muốn khóc” tạo ra cặp “tiên đồng ngọc nữ” Tăng Thanh Hà - Lương Mạnh Hải...

Có thể nói, nhờ vào xã hội hóa, phim truyền hình Việt đã cất cánh và có một vị trí tối ưu trên sóng truyền hình và trong lòng khán giả, đồng thời còn giúp một bộ phận lớn những người làm điện ảnh có cơ hội trổ tài trong khi phim điện ảnh đang ở vào thời kỳ èo uột nhất.

Giảm cả lượng lẫn chất

Giờ đây, phim truyền hình đang vào giai đoạn khó khăn. Số lượng phim truyền hình nói chung sụt giảm, thời lượng phát sóng phim trên các đài truyền hình cũng đang dần thu hẹp, nhường chỗ cho các chương trình truyền hình thực tế, gameshow...

Có những nhà sản xuất phim giảm đến một nửa số tập phim truyền hình so với trước đây. Lý do sụt giảm là vì đầu tư vào phim khó lời, thậm chí không lấy lại vốn được. Một phim đầu tư trung bình 5 đến 6 tỷ đồng nhưng một năm sau mới lấy được tiền vốn. Hiện nay, người ta đổ xô đi làm phim điện ảnh, không mấy người chịu làm phim truyền hình nữa.

Ngay như các gameshow, các chương trình truyền hình thực tế cũng sụt giảm lượng người xem, không được như vài năm trước. Bây giờ là thời của phim chiếu rạp. Thay vì về nhà bật ti vi lên để chọn xem các chương trình truyền hình, giờ đây khán giả chọn ra rạp xem phim, nhất là những ngày cuối tuần. Nếu vài ba năm trước, một đêm phát sóng, phim Việt thu về 700, 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tiền quảng cáo thì nay chỉ còn 100 đến 300 triệu đồng. Có khi chỉ vài chục triệu đồng. Không thu được tiền quảng cáo đồng nghĩa với việc phim thua lỗ nặng. Hiện nay, nhiều nhà sản xuất phim truyền hình Việt bỏ cuộc là vì thế. Mất niềm tin vào chất lượng phim, nhàm chán với nội dung và các gương mặt diễn viên đã khiến phim truyền hình mất dần vị thế và tình cảm của khán giả.

Đây là thời kỳ phim nhiều, nhưng chất lượng ít, thậm chí không có. Các nhà sản xuất tranh giành nhau giờ phát, nên giảm giá thành, giảm thời gian sản xuất khiến chất lượng phim trở thành thứ yếu. Chính vì thế, nhà đài phải giảm bớt giờ phát sóng phim. Chỉ những nhà sản xuất lớn mới trụ lại được, còn nhà sản xuất nhỏ phải bỏ cuộc.

HOÀNG LAN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh