CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:07

Phim Việt loay hoay tìm lối đi

Trong những năm gần đây hoạt động phát hành, phổ biến phim có bước phát triển mạnh mẽ, thị trường điện ảnh tăng nhanh và đều đặn, doanh thu chiếu bóng hàng năm tăng khoảng 20 - 30%. Hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn phát triển với tốc độ cao. Đến cuối năm 2015, cả nước có 138 rạp với 510 phòng chiếu, trong đó 457 phòng chiếu được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số. Doanh số chiếu bóng của nhiều phim tăng, danh sách các phim đạt doanh thu 60 tỉ, thậm chí trên dưới trăm tỉ đồng được nối dài và trong đó không ít phim Việt Nam. Tuy nhiên, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, những tín hiệu đáng mừng chỉ là dấu hiệu khởi sắc của phát hành, phổ biến phim tại rạp ở các thành phố lớn. Còn hoạt động phát hành, phổ biến phim của các Trung tâm phát hành phim, chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn “ảm đạm”. Ba khó khăn lớn nhất của công tác phát hành, phổ biến phim ở các tỉnh, thành là tình trạng rạp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, không phù hợp và thiếu nguồn phim.

Ông Trần Hồng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Phát hành và Chiếu bóng Sơn La cho rằng, thực tế các rạp chiếu phim tại địa phương vẫn chưa đáp ứng phục vụ các tầng lớp nhân dân. Theo ông Tuyến, Sơn La không có rạp chiếu phim. Người dân nơi đây chưa biết phim chiếu rạp là như thế nào. “Trong khi không chiếu phim, hiện tại chỉ chiếu bóng dẫn đến nhiều hệ lụy xấu, nhất là đối với tầng lớp thanh thiếu niên thiếu đi sân chơi lành mạnh, gây ra những ảnh hưởng xấu đối với xã hội như: Tính tự kỷ, phong cách sống khép mình, lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm… Đặc biệt, khi Sơn La là một trong những điểm “nóng về tình trạng ma túy, thiếu đi việc tuyên truyền đến người dân qua việc sử dụng phim càng trở nên nguy hiểm hơn” - ông Tuyến chia sẻ.

Một buổi chiếu phim lưu động.

Nhìn chung với những trung tâm không có rạp chiếu đã đành, những trung tâm có rạp chiếu thì tình hình cũng ít tín hiệu khả quan. Tình trạng rạp xuống cấp, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, không phù hợp chiếu phim hiện đại và thiếu nguồn phim là những thách thức. Không chỉ ở tỉnh miền núi Sơn La. Ngay ở địa phương kinh tế phát triển khá năng động như TP.Hải Phòng, hệ thống rạp chiếu phim thuộc nhà nước quản lý cũng xuống cấp trầm trọng, lãnh đạo các cấp lại đùn đẩy, không quyết tâm cải thiện tình hình. Ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hải Phòng cũng cho biết, Trung tâm có 3 rạp chiếu, đều nằm ở vị trí thuận tiện nhưng trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu. Có nhà đầu tư đề nghị xã hội hóa, góp vốn cải tạo rạp, nhưng xin hết Sở nọ đến Sở kia mà vẫn không được duyệt. Thậm chí, ở giữa Thủ đô, trung tâm chiếu bóng Hà Đông cũng không khá hơn. Theo ông Trương Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội, nhu cầu của người dân ngày càng đa dạng. Rạp chiếu phải đi kèm các dịch vụ, các trung tâm thương mại, chứ không đơn thuần chỉ là phòng chiếu phim.

Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ phim Việt Nam đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim, 30 - 35% phim truyện Việt Nam trên tổng số phim phát hành, số người xem phim đạt 95 triệu lượt người xem phim/năm, số phòng chiếu phim đạt 550 phòng chiếu. Trong khi thực tế, cán cân chiếu phim nước ngoài đang chênh lệch: Mỗi năm chiếu 199 phim nước ngoài nhưng chỉ có chưa đầy 40 phim Việt Nam, thì nếu muốn vươn đến mục tiêu trên, không có con đường nào khác là phải phát triển đồng bộ các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tại địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, việc phát hành, phổ biến phim tại rạp hiện nay chủ yếu phát triển ở các tỉnh, thành phố lớn, do các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài nắm giữ. Với tình hình khó khăn chung của ngành điện ảnh và tình trạng rạp ở các địa phương đang xuống cấp, đã bị thu hồi, có nguy cơ bị thu hồi để sử dụng vào mục đích khác khiến công tác phát hành- phổ biến phim tại rạp ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Thông qua hội thảo, Bộ VH-TT&DL hy vọng sẽ đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác phát hành, phổ biến phim tại rạp tại các địa phương hiện nay, qua đó phát triển nền điện ảnh dân tộc, xóa dần sự chênh lệch về hưởng thụ điện ảnh giữa các vùng miền.

LÂM NGUYỄN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh