THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:05

Chuyển giao chương trình đào tạo nghề Úc cho các trường nghề Việt Nam

 

PGS.TS  Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Dự và chỉ đạo hội nghị có PGS.TS Lê Quân – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH; TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; lãnh đạo các Vụ, đơn vị của Tổng cục. Về phía đối tác Úc có  ông Stephen Varty – Trưởng Ban Đào tạo, Học viện Chisholm - Úc; các chuyên gia của Học viện Chisholm và Hiệu trưởng, Trưởng phòng đào tạo, Trưởng các khoa chuyên môn có nghề đào tạo thí điểm của 25 trường. 

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế”; Bộ LĐTB&XH đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch và Quy định để tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, trong đó đã lựa chọn 25 trường cao đẳng để tham gia đào tạo thí điểm 41 lớp cho 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình đã chuyển giao từ Học viện Chisholm, bang Victoria, Úc.

Ông Stephen Varty – Trưởng Ban Đào tạo, Học viện Chisholm- Úc, phát biểu tại Hội nghị

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng cho đào tạo thí điểm về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và các điều kiện về an toàn, vệ sinh và sức khỏe nghề nghiệp, nhưng với sự quyết tâm cao của các trường, cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng như của các Bộ, ngành, địa phương, công tác chuẩn bị cho đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo thí điểm.

Bước đầu, công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi yêu cầu cao về năng lực tiếng Anh của sinh viên nhưng các trường đã hết sức linh hoạt, sáng tạo để có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác tuyển sinh và đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho sinh viên, đảm bảo đáp ứng yêu cầu để học tập chuyên môn theo các bộ chương trình chuyển giao.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo chuyên môn theo các tiêu chuẩn của Chính phủ Úc, đòi hỏi đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên môn phải đáp ứng được các yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy và kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức đưa giáo viên chuyên môn của 25 trường đi đào tạo tại Úc, cụ thể: năm 2015 đã tổ chức đưa đi học tập, bồi dưỡng đợt đầu tại Úc cho 191 giáo viên giảng dạy chuyên môn của 12 nghề; năm 2017 tiếp tục đưa 127 giáo viên sang Úc đào tạo, bồi dưỡng, số giáo viên này đã hoàn thành chương trình đào tạo và trở về nước để tham gia giảng dạy theo chương trình đào tạo thí điểm.

TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu khai mạc Hội nghị

Đến nay đã có tổng số 318 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ để giảng dạy theo quy định của Úc, về cơ bản đã đáp ứng đủ số lượng giáo viên giảng dạy chuyên môn cho đào tạo thí điểm. Hiện còn 18 giáo viên chuyên môn của nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí sẽ tiếp tục được đưa sang Úc đào tạo vào quý II/2018.

Theo đó, 25 trường đã tuyển sinh được 803 sinh viên trên tổng số 888 sinh viên của 41 lớp theo kế hoạch đã được phê. Đã có tổng số 663/803 sinh viên của 41 lớp đạt trình độ B1 tiếng Anh, còn lại 140/803 sinh viên chỉ đạt trình độ A2 đang được các trường tiếp tục bồi dưỡng thêm để thi lại vào tháng 3/2018. Theo kế hoạch, trong quá trình học chuyên môn, các sinh viên của 41 lớp sẽ tiếp tục được học bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành tương ứng với ngành, nghề đào tạo để nâng cao trình độ tiếng Anh.

Về giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị, để đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của Úc nói riêng và các tiêu chuẩn quốc tế là việc hết sức khó khăn, tuy nhiên với nỗ lực của các trường, sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia, của các Bộ, ngành, địa phương và các nguồn huy động khác, các trường đã cơ bản đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị cho đào tạo thí điểm theo quy định của Học viện Chisholm và Chính phủ Úc.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, PGS.TS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng việc hợp tác quốc tế, tiếp cận các chương trình đào tạo tiến tiến mới có thể đổi mới giáo dục nghề nghiệp một cách nhanh chóng. Thứ trưởng đề nghị Dự án phải làm hài lòng các trường, các nhà giáo và nhất là hài lòng học sinh, sinh viên và nhấn mạnh cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; khảo sát độc lập về sự hài lòng của giáo viên, học sinh đối với các chương trình đào tạo.

Thứ trưởng mong muốn các trường cần đổi mới, sáng tạo để người học ra trường có việc làm ngay, cũng như được doanh nghiệp đón nhận. Đây chính là “thước đo” hiệu quả của Dự án, đảm bảo yếu tố thực chất chứ không phải chỉ để “báo cáo cho đẹp”. Đối với các trường được tổ chức đào tạo thí điểm cần đánh giá hiệu quả, chất lượng “sản phẩm” đầu ra để có những điều chỉnh phù hợp và tạo sự lan tỏa của đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Đại diện các trường nhận Chứng nhận đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn chất lượng của Úc

Cũng tại hội nghị, Học viện Chisholm đã trao Chứng nhận đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn chất lượng của Úc cho 25 trường tại Việt Nam tham gia đào tạo thí điểm.

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh