Lấy ý kiến sửa đổi chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm cho lao động vùng biển
- Tây Y
- 22:45 - 19/01/2018
Toàn ảnh Hội thảo tại Quảng Trị sáng 19/1
Sáng 19/1, tại TP. Đông Hà (Quảng Trị), Cục Việc làm, Bộ LĐ – TB&XH phối hợp với Sở LĐ – TB&XH Quảng Trị đã tổ chức Hội thảo “Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định số 12/QĐ – TTg” của Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ – TB&XH) và Lãnh đạo Sở LĐ – TB&XH, các phòng Việc làm, Dạy nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Phòng LĐ-TB&XH thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển (gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).
Ngày 6/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 12/QĐ – TTg về việc phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”. Đến ngày 28/12 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2124/QĐ – TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 12/QĐ – TTg.
Thực hiện nội dung của 2 Quyết định nêu trên, Bộ LĐ – TB&XH đã ban hành Văn bản số 2628/LĐTBXH – VL hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Hội thảo “Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định số 12/QĐ – TTg” được tổ chức tại Quảng Trị sáng 19/1 nhằm lấy ý kiến của các địa phương bị ảnh hưởng để sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Công văn số 2628/LĐTBXH – VL.
Theo đó, đã có 19 nội dung của Công văn số 2628/LĐTBXH – VL được đưa ra để các đại biểu tham dự Hội thảo thảo luận, góp ý. Các đại biểu đã tham gia phát biểu ý kiến sôi nổi, đề cập nhiều vấn đề sát với thực tế nhu cầu của người dân.
Theo ông Phan Linh, Giám đốc Sở LĐ – TB&XH tỉnh Quảng Trị, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, tỉnh UBND tỉnh này đã bố trí 1,8 tỷ đồng để hỗ trợ học phí đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những chi phí khác như: chi phí hỗ trợ tiền ăn, đi lại thì chưa có. Ông Linh nêu vấn đề: nếu theo nội dung bản dự thảo thay đổi, bổ sung một số nội dung Công văn 2628 về việc tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí để đào tạo và thực hiện chi trả tiền ăn, tiền đi lại cho người dân thì có hay không việc phải th hồi lại số tiền 1,8 tỷ đồng đã chi để thực hiện lại?
Việc hỗ trợ chi phí đào tạo cho doanh nghiệp sử dụng lao động vùng biển, ông Linh cho rằng cần phải thực hiện một cách chặt chẽ, tránh để các doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để thu lợi bất chính.
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các đại biểu góp ý chỉ cần làm rõ đối tượng đi làm việc ở thị trường nào để hỗ trợ chứ không cần phải làm chi tiết ra là hỗ trợ khám sức khỏe, visa,...như thế nào nhằm đơn giản hóa thủ tục.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế cho rằng, bản dự thảo thay đổi đã có tiếp thu y kiến của các địa phương, nhưng chưa đáp ứng hết được thực tiễn nên cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Ông Quang cũng đề nghị, nên giảm bớt thủ tục cho người dân và thực hiện khoán thẳng các mức hỗ trợ cho người lao động theo thị trường.
Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH Hà Tĩnh, cho biết trong thời gian qua đã có hơn 8.000 người lao động tỉnh này đi xuất khẩu lao động, trong đó có hơn 2.500 lao động biển. Tuy nhiên số lao động này đến nay vẫn chưa được hỗ trợ theo đề án. Mặc dù vậy, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ cho người lao động tiền khám sức khỏe, làm visa.
Về kinh phí hỗ trợ người lao động học nghề, ông Dũng đề xuất giao thẳng cho cơ sở đào tạo chi trả. Còn việc hỗ trợ vốn vay tạo việc làm, xuất khẩu lao động thì giao cho phòng LĐ – TB&XH cấp huyện thực hiện, làm như vậy để đơn giản hóa thủ tục cho người dân.
Trưởng Phòng Dạy nghề - Sở LĐ – TB&XH Quảng Bình, cho rằng, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển là rất lớn, nhu cầu học nghề của người lao động nhiều. Do đó, nếu chỉ thực hiện trong năm 2018 thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp liệu có đáp ứng kịp.
Người lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trương biển sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề, tao việc làm và xuất khẩu lao động
Ngoài ra, các đại biểu đến từ cấp huyện, thành phố có đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ của Đề án cũng đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp để làm sao chính sách hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Tất cả các ý kiến phát biểu, góp ý sẽ được Ban Chủ tọa Hội thảo tổng hợp, sàng lọc để đề xuất lên Bộ LĐ – TB&XH.