Đẩy mạnh tư vấn, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp
- Bài thuốc hay
- 17:50 - 06/12/2017
Ông Tống Ngọc Khánh cho biết, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động thất nghiệp. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, hội nghị tư vấn người lao động được tiếp cận với các thông tin tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh; sau đó tùy theo nhu cầu của người lao động Trung tâm sẽ giới thiệu việc làm hoặc cơ sở dạy nghề phù hợp với khả năng, trình độ và giới tính của người lao động.
Một phiên giao dịch việc làm tại Tuyên Quang
Theo đó, Trung tâm đã tiếp nhận và hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong 10 tháng đầu năm 2017, số lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 2.832 người, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.687 người, trong đó cả nam và nữ ở độ tuổi từ từ 25-40 là 1.808 người, cho thấy số người trẻ tuổi thất nghiệp chiếm tỉ lệ cao. Đặc biệt đến nay, nhờ có tuyên truyền tốt, Tuyên Quang không có số người nộp hồ sơ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, số bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 19, số người chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2648, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2832. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là hơn 26 tỉ đồng, trong đó số tiền hỗ trợ dạy nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là 34 triệu đồng.
Điều đáng nói là Trung tâm đã chủ động bố trí các địa điểm tiếp nhận hồ sơ giải quyết bảo hiểm thất nghiệp của người lao động tại văn phòng các huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương, điểm ủy thác các huyện Na Hang, Lâm Bình và tại Trung tâm nhằm giúp người lao động thuận lợi nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. “Hằng năm, Trung tâm đều cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do Cục Việc làm và Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức. Bên cạnh đó thường xuyên tổ chức, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo tháng, quý, theo năm hoặc đột xuất để nâng cao hiệu quả giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Trung tâm cũng đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị văn phòng đảm bảo cho việc thực hiện giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm và văn phòng các huyện đảm bảo công tác tư vấn, giới thiệu, học nghề và nộp hồ sơ, lưu trữ hồ sơ của người lao động. Bên cạnh đó cũng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và người sử dụng lao động trên địa bản tỉnh với nhiều hình thức như: qua website của Trung tâm, đài Phát thành truyền hình, tờ rơi, tờ gấp...”- ông Tống Ngọc Khánh nhấn mạnh.
Đông đảo người lao động tham dự phiên giao dịch việc làm tại Tuyên Quang
Với nguyên tắc tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình thuận tiện cho người lao động, nâng cao hiệu quả công việc, không chỉ tổ chức các phiên giao dịch việc làm ngay tại Trung tâm mà còn đưa các thông tin tuyển dụng đến gần hơn với người lao động, đặc biệt là lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Dịch vụ việc làm Tuyên Quang thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện trên địa bàn. Tại đây, người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thông tin tuyển dụng của nhiều đơn vị tuyển dụng mà không cần phải đến trực tiếp tại trung tâm hay các công ty. Mỗi phiên giao dịch việc làm lưu động, trung tâm thường mời các công ty tuyển dụng tham gia với nhiều công việc và chế độ đãi ngộ có lợi cho người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Tống Ngọc Khánh, trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn khó khăn, vướng mắc như việc giải quyết chế độ thất nghiệp do hai cơ quan thực hiện nên người lao động phải đi lại nhiều lần đê rlamf các thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Đặc biệt việc nhận thức tìm kiếm việc làm, học nghề của người lao động còn hạn chế mặc dù đã được Trung tâm tuyên truyền về chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó cũng phải kể đến khó khăn trong việc chưa kết nối phần mềm giữa Trung tâm dịch vụ việc làm với bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc giải quyết hồ sơ và theo dõi tình trạng việc làm của người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về bảo hiểm thất nghiệp, nhất là người lao động ở vùng xa, ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt tham mưu Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp báo cáo tình hình biến động lao động và tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động theo định kỳ.