CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:05

Chuyện chưa kể “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu”

Hà Nội hôm nay và Hà Nội của tác giả Trung Sỹ trong "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu" hoàn toàn đối lập. Đó là một Hà Nội với những khó khăn, lầm than cơ cực ngày ấy. Ở đó, Hà Nội là những ngày sau giải phóng miền Bắc, mọi người trở về từ nơi sơ tán với niềm hân hoan cùng nỗi lo toan xây dựng lại cuộc sống cũ. Nhưng chẳng lâu sau, lại dắt díu nhau đi sơ tán khỏi các trận định tái bắn phá. Đám trẻ ngồi dưới gầm cầu thang ôm đầu sơ hãi, đợi tiếng máy bay địch đã khuất xa. Hà Nội trong tuổi thơ của những đứa trẻ 6x khi ấy là các quầy mậu dịch đông đúc người xếp hàng cùng gương mặt mệt mỏi và các cô mậu dịch viên khó tính. Mái tóc phi-rê của mẹ và căn gác nơi bà nội làm việc có một mùi giấy mốc kì lạ. Hà Nội không phải với 36 phố phường sầm uất nơi kinh kì, mà là xưởng làm mì gia công "100 cân bột thì nhận 94 cân mì sợi. Có lẽ vì dính mồ hôi con người mà các sợi mì gia công có vẻ dai và mặn hơn các sợi mì nhà nước."

Chuyện chưa kể “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” - Ảnh 1.

Tuổi thơ của Trung Sỹ trong "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu" quả thật gắn với tem phiếu, với phiếu gạo phiếu dầu mẹ phải đong đếm từng chút một. Với mũ rơm tránh đạn khi về quê sơ tán, cũng là chiếc mũ rơm hôm qua vẫn thấy bạn cùng bàn mình đội, mà hôm nay đã nghe tin nó dẫm phải mìn sẽ không về nữa. Tuổi thơ của Trung Sỹ trong cuốn hồi ký được kể lại bằng một giọng bình tĩnh nhưng ẩn chứa bên trong là nỗi đau buồn tiếc nuối cho những năm tháng và phận người ấy. Không những vậy, tuổi thơ của Trung Sỹ cũng chính là những niềm băn khoăn của một đứa trẻ trong gia đình tư sản dân tộc cũ về thời thế, xã hội khi ấy.

Đọc "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu" thấy tác giả bằng trái tim đong đầy tình yêu với Hà Nội và đã tái hiện lại những năm 70 của thế kỉ trước ở vùng đất Thủ đô rất chân thực, rất đẹp. Chân thực đến nỗi người đọc bất ngờ bật cười bởi sự trào phúng, mỉa mai ở trang trước, thì ngay trang viết sau lại có thể lắng đọng bởi sự duyên dáng, hóm hỉnh đến kì lạ về thời thế và con người khi ấy. Có thể nói, trong "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu", tác giả Trung Sỹ đã mở ra cho người đọc cả một cánh cửa đến với Hà Nội rất khác: Đó là một Hà Nội vẫn đong đầy lòng người, nhưng Hà Nội vất vả hơn, lầm than hơn, khó nhọc hơn, và cũng nhiều điều vương vấn hơn.

Trong phần kết của cuốn sách, đâu đó người ta vẫn cảm thấy sự trăn trở, khắc khoải và băn khoăn của tác giả. Chia sẻ về điều này, tác giả Trung Sỹ cho biết: "Tất cả những thành phố không riêng gì Hà Nội đều có một tiến trình thay đổi, có những ngày sẽ trôi qua và có những ngày sẽ đến, chúng ta sẽ nhìn thấy sự thay đổi theo thời gian ấy một cách rất bình thường. Những lớp người đi trước như chúng tôi đều không mong muốn lớp trẻ sẽ phải sống lại trong thời thiếu thốn như vậy nữa".

Nhận xét về cuốn sách đặc biệt này, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho biết, rất nhiều nhà văn viết về Hà Nội nhưng ít ai viết được một cách chân thực nhất và sinh động, lôi cuốn nhất như "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu" của Trung Sỹ. Mạch văn trong tác phẩm này mang một tính phổ quát chung về Hà Nội. Ông tin rằng cuốn sách này lớp trẻ sẽ tìm đọc để học được một thời cha ông ta đã sống như thế nào.

Tác giả Trung Sỹ tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960 trong một gia đình tư sản dân tộc, viên chức cũ ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trung học năm 1978, ông tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam từ năm 1978 đến 1983. Giải ngũ về công tác tại Công ty Vinaconex cho đến khi nghỉ hưu. Trước "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu", ông đã xuất bản cuốn "Chuyện lính Tây Nam".

NGỌC HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh