CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:01

'Nhà chật': Tái hiện sinh động thời bao cấp

 

Hình ảnh của những khu tập thể cũ kỹ, tường sơn tróc vàng và lồng sắt cheo leo ngày nay bạn vẫn còn có thể nhìn thấy. Với nhiều người đó là một góc của tuổi thơ vẫn tồn tại đâu đấy giữa guồng quay nghẹt thở của cuộc sống hiện đại này. Khu tập thể cũ chật chội, cũ kỹ như những người già ngồi lặng yên nhìn mọi thứ xung quanh đang thay da đổi thịt, bình an trầm mặc hít hà mùi hương hối hả của cuộc đời. Và dù thời gian có khiến những ký ức dần rơi rụng, thì mỗi khi bạn vô tình đi qua một khu tập thể cũ nào đó, bạn vẫn như thấy những ngày mình còn bé con, chơi trượt ở cầu thang với lũ hàng xóm, những buổi chiều đi học về khó nhọc dắt xe đạp từ tầng 1 lên tầng 5, hay những sáng tinh mơ mở mắt bước ra ngoài, thấy từ ô cửa hàng xóm thơm lừng mùi mì tôm mới úp. Bạn cũng sẽ nhìn thấy lại được cả những ngày, gia đình mình còn nghèo, ở chật chội trong căn phòng nhỏ hai chục mét vuông nhưng không lúc nào vắng tiếng cười.

 

“Quán Thanh Xuân” là chương trình pha trộn nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và những câu chuyện quá khứ

 

BTC cho biết, trong chương trình lần này, với chủ đề “Nhà chật”, khán giả sẽ cùng với các khách mời nổi tiếng như: vợ chồng NSƯT Chiều Xuân - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; NSƯT Đạo diễn Tất Bình; NSƯT Biên đạo Trần Ly Ly; Nhà báo Vũ Công Lập; Nhạc sỹ Trương Quý Hải; Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến; Nhà báo Nguyễn Thị Thục (Báo Sài Gòn giải phóng); Nhà báo Hữu Việt (Báo Nhân dân) cùng các ca sĩ nổi tiếng, đang được mến mộ: Hồ Trung Dũng, Vũ Thắng Lợi, Bảo Trâm, Phương Anh, Dương Hoàng Yến, Nhóm Năm dòng kẻ… sẽ đưa khán giả trở lại với những hình ảnh không thể nào quên, là ký ức thanh xuân của nhiều lớp người đã sống cả tuổi trẻ, thậm chí là gần cả cuộc đời trong các khu tập thể/chung cư cũ. Những khu tập thể đầu tiên đã được xây dựng trong hoàn cảnh đất nước như thế nào, đã thay đổi môi trường sống của người dân ra sao… Hình ảnh những ngôi nhà giống hệt nhau, cảnh người ngồi xếp hàng ở bể nước, hàng xóm trò chuyện trước bảng thông báo ở khu tập thể, nuôi lợn trong nhà, họp tổ dân phố khi mất điện, những đứa trẻ chơi đùa trong sân chung của khu tập thể… Câu chuyện chia sẻ của một nhân chứng thời bấy giờ, về cảm giác háo hức khi được phân một căn nhà trong khu tập thể… chắc chắn sẽ khiến rất nhiều người nhớ lại quá khứ của chính mình.

Đặc sản của các khu tập thể là nhà vệ sinh chung, bể nước chung, nhà tắm chung, là các chuồng cọp để giải quyết nhu cầu bức bách về không gian sống khi thành viên trong gia đình tăng lên... Sự chật chội, chung đụng dễ đem đến những nhòm ngó, xích mích nhưng đồng thời cũng làm nảy sinh sự gắn bó, sẻ chia ấm áp giữa người với người sống trong cùng một khu tập thể. Điều mà hầu như khó tìm thấy ở cuộc sống ngày hôm nay. Vì thế mà mới có những câu chuyện về tình hàng xóm bên nồi bánh chưng tập thể; Nam nữ trong khu tập thể thường chọn sân thượng làm nơi hẹn hò, “Anh vô hình ngụy trang đưa em tan vào đêm” (bài hát “Khu nhà cũ” của Trương Quý Hải). Với các khu tập thể đáng nói nhất là đời sống của bọn trẻ con, chúng là nguồn sống, niềm vui nỗi buồn lớn nhất của các khu tập thể. Những va chạm trong đời sống thường nhật tạo ra tình cảm gắn bó lâu dài. Dù nhiều người đã chuyển đi, nhưng những ký ức về khu nhà cũ vẫn giúp họ thường xuyên liên hệ với nhau. Thậm chí còn là nguồn cơn cho sự ra đời của một cuốn sách rất nổi tiếng những năm gần đây về chủ đề này, cuốn “Quân khu Nam Đồng” của tác giả Bình Ca.

“Nhà chật” không chỉ gợi lại ký ức thanh xuân của nhiều lớp người trong các khu tập thể cũ ở Hà Nội mà còn đưa khán giả đến với những khu cư xá Sài Gòn trước và sau 1975 với những đặc điểm rất khác, đặc biệt là tuyệt nhiên không có chuyện cơi nới, đục phá...  Khu Tôn Thất Đạm, Trần Hưng Đạo, Khu café cư xá Nguyễn Huệ… Đặc biệt hơn, “Nhà chật” còn là những căn nhà tập thể trong biệt thự Pháp cổ với đặc sản là những căn gác-xép. Gác xép chứa đựng tâm hồn, thanh xuân của không ít người Hà Nội một thời. Những lúc buồn, muốn một mình người ta hay tìm đến gác xép. Có rất nhiều bí mật người ta cất giữ nơi này, rất nhiều đứa trẻ được sinh ra, lớn lên và ngủ trên gác xép. Đồng thời cũng là nơi thăng hoa của nhiều người làm nghệ thuật. Đặc biệt có câu chuyện về Căn nhà 6 mét vuông - nơi chứa cả “gia tài” của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Chính tại căn nhà trong khu tập thể 96A Phố Huế, hàng trăm bài thơ của hai người và hàng chục vở kịch của Lưu Quang Vũ ra đời như: "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Lời thề thứ 9", "Bệnh sĩ", "Khoảnh khắc và vô tận", "Ông không phải bố tôi", "Tôi và chúng ta", "Tin ở hoa hồng", "Nàng Sita"...

Có thể nói, “Quán Thanh Xuân” là sự  pha trộn nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và những câu chuyện quá khứ, mang đến không gian gần gũi, ấm áp cho khán giả. Trong đó, âm nhạc như một mạch xuyên suốt và duy trì không khí của chương trình. Linh hồn của “Quán thanh xuân” chính là ban nhạc - những người bằng âm nhạc đưa mọi người trở về những ký ức đã nằm sâu trong ngăn nào đó trong lòng mỗi khách mời và người xem.

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh