CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:13

Hơn 1000 hiện vật về thời bao cấp được trao tặng Hà Nội

 

Theo Bảo tàng Hà Nội, nhóm hiện vật sưu tầm được chủ yếu là những hiện vật liên quan đến văn hóa tín ngưỡng, cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20, hiện vật thời kỳ kháng chiến và thời kỳ bao cấp. Các hiện vật về làng nghề, phố nghề cũng được tập trung triển khai sưu tầm, đặc biệt là những nghề truyền thống của Thăng Long - Hà Nội xưa.

Toàn bộ những hiện vật, tư liệu mà Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận được trong đợt này có giá trị văn hóa, tinh thần, minh chứng cho sự phát triển của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Đó là những hiện vật thể hiện tình yêu Hà Nội của các tổ chức, cá nhân cống hiến cho ngành văn hóa Thủ đô. Trước đó, Bảo tàng Hà Nội cũng đã triển khai kế hoạch tuyên truyền vận động hiến tặng tài liệu hiện vật rộng khắp tới các tầng lớp nhân dân, đồng thời tổ chức các nhóm làm việc chủ động khảo sát, thu thập và tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tâm huyết, trách nhiệm với bảo tàng và di sản Thủ đô. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác sưu tầm để kịp thời phục vụ cho thiết kế chi tiết trưng bày thường xuyên và thi công trong năm 2019.

 

 

Trong số những cá nhân được vinh danh về hiến tặng hiện vật, gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm (xã Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội) đã hiến tặng cho Bảo tàng 140 hiện vật dùng trong các giá hầu đồng. Đây là những hiện vật có giá trị và phù hợp với nội dung trưng bày phần tín ngưỡng thờ Mẫu trong Bảo tàng Hà Nội trong nội dung trưng bày thường xuyên sắp tới. Hay như gia đình Lương y Nguyễn Kim Bảng (Phòng chẩn trị y học cổ truyền Toàn Mỹ - 56 Lãn Ông) với 24 hiện vật hiến tặng. Lương y Nguyễn Kim Bảng cho biết, ông là người sinh ra trong gia đình có nghề làm thuốc lâu đời, bản thân ông cũng là người muốn tiếp tục duy trì truyền thống đó, những hiện vật ông hiến tặng cho bảo tàng cũng là muốn truyền thông điệp tới cho con cháu sau này biết được truyền thống gia đình và nhằm giới thiệu với công chúng đến thăm quan bảo tàng nghề truyền thống, tri thức dân gian của gia đình…

Rất nhiều vật dụng xưa cũ, gợi nhớ một thời đã qua của cuộc sống người Hà Nội đã được trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội. Đó là bộ ảnh tư liệu của gia đình Giáo sư Dương Quảng Hàm và con tem Trường Bưởi do ông Dương Tự Minh – con trai Giáo sư Dương Quảng Hàm hiến tặng; bộ đồ ăn trầu, nồi đồng, điếu của gia đình ông Nguyễn Huy Giang; bộ bàn chế tác và bộ đồ nghề đậu bạc của gia đình nghệ nhân Quách Văn Trường; những sản phẩm gốm của cố nghệ nhân Lê Văn Cam tạo tác được gia đình hiến tặng cùng chiếc xe đạp nam mua năm 1960… 

Bên cạnh đó, một số hiện vật tưởng đơn giản nhưng lại ẩn chứa những câu chuyện hấp dẫn, như bộ ảnh cưới của chủ hiệu ảnh nổi tiếng làng Lai Xá, chiếc gương treo tường của một hiệu cắt tóc sử dụng từ năm 1923 hay bộ đồ gánh phở rong của gia đình cửa hàng phở Ngọc Vượng, cơi đựng trầu được chạm trổ hoa văn có tuổi đời hàng trăm năm - món đồ vật đó như là “gia bảo” của gia đình do Nguyễn Thị Sinh, nay đã 76 tuổi trao tặng… Có thể nói, mỗi hiện vật được trao cho Bảo tàng Hà Nội là những hoài niệm, ký ức của những cá nhân, gia đình trao tặng.

 

Những hiện vật về Hà Nội xưa được trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội

 

Ông Nguyễn Tiến Đà- Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, thông qua các câu chuyện về hành trình hiện vật về với Bảo tàng, câu chuyện về các hiện vật vô giá này sẽ được kể tiếp những ký ức đau thương nhưng đầy tự hào và hi vọng của Thủ đô. Hành trình hiện vật về với Bảo tàng Hà Nội là hành trình từ trái tim đến trái tim của những người yêu di sản. Những người làm bảo tàng sẽ làm hết sức mình cùng với các chuyên gia kết nối những câu chuyện riêng của mỗi hiện vật thành câu chuyện chung về ký ức Hà Nội. “Những tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội có thể có những luyến tiếc. Nhưng với trách nhiệm của mình chúng tôi chuyển các hiện vật đầy kỷ niệm trên thành những câu chuyện đáng tự hào” - ông Nguyễn Tiến Đà chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đà, tính đến thời điểm này, Bảo tàng Hà Nội đã tiếp nhận được tổng số hơn 7.000 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, có giá trị lớn. Bên cạnh sự tư vấn của Hội đồng chuyên ngành gồm nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử của Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội đã mời đoàn chuyên gia của Pháp sang làm việc, tư vấn và xây dựng các phương án trưng bày. Hiện nay, Bảo tàng đã xây dựng được 7 nhóm chuyên đề và có 80% số lượng hiện vật đủ để đáp ứng công tác trưng bày. “Bảo tàng Hà Nội sẽ dành 1 tầng để thực hiện chuyên đề riêng về Hà Nội. Những nội dung trưng bày gồm: Hà Nội thời bao cấp, văn hóa tín ngưỡng của người Hà Nội, các làng nghề Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường… Chuyên đề về Hà Nội sẽ được thể hiện rõ ràng, công phu, trở thành nét riêng của bảo tàng. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hà Nội sẽ tạo thêm những không gian tương tác phù hợp với nhiều lứa tuổi và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của khách tham quan. Trẻ em sẽ có khu vui chơi, trải nghiệm để tìm hiểu văn hóa, lịch sử” - ông Nguyễn Tiến Đà nhấn mạnh. 

DUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh