THỨ SÁU, NGÀY 06 THÁNG 12 NĂM 2024 08:01

Buôn làng khởi sắc từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Cùng với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk, cán bộ hội phụ nữ xã Ea Hđing chúng tôi tìm đến buôn Hring sau cơn mưa chiều bất chợt, nhưng quãng đường đi đến nhà cộng đồng buôn Hring đã được bê tông hóa chứ không còn lầy lội trơn trượt như trước kia nữa, hai bên đường đi còn được các chị hội viên hội phụ nữ trồng rất nhiều loại hoa đang nở khoe sắc thắm như minh chứng cho sự khởi sắc của buôn làng Tây nguyên.

Lễ cúng mừng mùa bội thu

Lễ cúng mừng mùa bội thu

Được sự giới thiệu của anh A Vi Voan – buôn trưởng buôn Hring, chúng tôi tiếp tục đến một số hộ dân để tìm hiểu thêm sự nỗ lực vươn lên của những con người Tây Nguyên đầy nắng gió.

Tiếp chúng tôi, anh Y Dung (người dân tộc Xê Đăng) luôn nở nụ cười trên môi khi chia sẻ về niềm vui của mình. Anh kể gia đình anh thuộc diện nghèo nhất buôn, đất đai canh tác không có, con cái thì đông, nên cái nghèo đeo bám mãi. Được sự hỗ trợ của các cấp, được sự tin tưởng của tổ Tiết kiệm và vay vốn, năm 2018 gia đình anh được xét cho vay 50 triệu từ chương trình hỗ trợ phát tiển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quyết định 2085/QĐ -TTg để chăn nuôi bò. Ngày nhận tiền vay là lần đầu tiên trong đời anh cầm trong tay số tiền lớn như vậy nhưng anh vừa mừng vừa lo. Mừng vì có đồng vốn để đầu tư phát triển kinh tế, lo vì mình đã mang một món nợ. Nhưng được sự hỗ trợ, tuyên truyền vận động của cán bộ các cấp, các ban ngành, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo, kinh tế gia đình đã ổn định, không còn phải lo cái ăn cái mặc qua ngày, đã tích lũy và mua được 4 xào đất. Anh dự định sẽ đề nghị tổ Tiết kiệm và vay vốn xét cho vay thêm ít vốn từ chương trình hộ mới thoát nghèo để đầu tư trồng cà phê. Anh xúc động chia sẽ với chúng tôi với quyết tâm phải vươn lên làm giàu để sau này con cái mình không vất vả như mình.

Cũng tại buôn Hring, chúng tôi đến gặp gia đình chị H Wương (người dân tộc Ê đê), hiện nay chị đang nợ 50 triệu từ chương trình hộ mới thoát nghèo. Chị nói trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, ban đầu được bình xét của buôn và tổ Tiết kiệm và vay vốn cho vay 20 triệu từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi heo. Sau một thời gian vay vốn chị đã tích lũy dần, đã sửa sang nhà cửa, con cái học hành đên nơi đến chốn, mua sắm vật dụng cần thiết trong nhà. Chị chia sẽ: “Được sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ, sự chia sẻ kinh nghiệm của các anh chị tổ viên tổ Tiết kiệm và vay vốn giúp gia đình tôi có hướng làm ăn để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tôi cũng được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội và ban quản lý tổ Tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ, vừa hình thành thói quen tiết kiệm, giảm bớt khó khăn khi trả nợ, vừa tạo thêm nguồn vốn”.

Tâm sự cùng chúng tôi, anh A Vi Voan – buôn trưởng buôn Hring chia sẻ: “Buôn Hring hiện là buôn nghèo nhất của xã Ea Hđing, có 382 hộ dân sinh sống, trong đó chỉ có 21 hộ là người Kinh mới đến sinh sống sau này, chứ ở đây chủ yếu là các dân tộc Xê Đăng, Ê Đê, Mnông, Thái … . Hiện nay số hộ thoát nghèo của buôn Hring đã tăng đáng kể, số hộ nghèo giảm rất nhiều chỉ còn 38 hộ, chứ trước đây số hộ nghèo của buôn chiếm tỷ lệ 80 % số đang hộ sinh sống tại buôn. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp và đặc biệt là nguồn vốn tín dụng chính sách, cuộc sống bà con thay đổi rất nhiều, bộ mặt buôn làng cũng khởi sắc hơn.

Cùng nhau múa hát theo phong tục của đồng bào bản địa ở Tây Nguyên

Cùng nhau múa hát theo phong tục của đồng bào bản địa ở Tây Nguyên

Theo Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk Võ Ngọc Hãn, buôn Hring là thôn buôn có dư nợ cao nhất của toàn huyện, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách được triển khai tại buôn Hring là hơn 11 tỷ đồng với 220 hộ vay vốn từ 9 chương trình tín dụng ưu đãi; chiếm 37% dư nợ của toàn xã Ea Hđing. Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách tại đây bước đầu cũng rất khó khăn bởi vì buôn Hring là buôn đặc biệt khó khăn, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Sau một thời gian tuyên truyền, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự tạo điều kiện của địa phương, nguồn vốn tín dụng được triển khai, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đang là công cụ hữu hiệu trong công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Tây Nguyên. Đội ngũ những người làm tín dụng chính sách vẫn đang nỗ lực bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ, an toàn nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo, đảm bào an sinh xã hội bền vững.

Nhuận Lê

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh