Huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa): Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo
- Dược liệu
- 14:22 - 17/10/2023
Khánh Sơn là huyện miền núi thuộc tỉnh Khánh Hòa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số là người Raglai sinh sống. Vì là huyện miền núi khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Cùng với huyện miền núi Khánh Vĩnh, trong công tác giảm nghèo, tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng đầu tư nguồn lực để phát triển kinh tế, hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo như mục tiêu đề ra.
Nhờ sự hỗ trợ của Trung ương, địa phương mà nhiều hộ nghèo đã thay đổi tư duy, tự lực vươn lên làm chủ cuộc sống của mình, thoát khỏi danh sách hộ nghèo một cách bền vững từ nguồn lực sản xuất, thu nhập ổn định của gia đình.
Phấn đấu cuối năm 2023, Sơn Trung giảm 49 hộ nghèo:
Vợ chồng anh Bo Bo Duận-Mấu Thị Mỹ Duyên là người dân tộc Raglai ở thôn Tà Nĩa, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn đã thoát khỏi hộ nghèo vào cuối năm 2022. Anh Duận tâm sự, trước đây mới lập gia đình kinh tế khó khăn do không có vốn làm ăn. Nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào trồng khoảng 2 sào mía tím nhưng cây mía thị trường bấp bênh, có lúc không tiêu thụ được.
Được sự vận động của chính quyền địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bên cạnh đó là nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi 95 triệu đồng của Trung ương Đoàn qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình anh Duận mạnh dạn chuyển sang trồng sầu riêng vào đầu năm 2022 với 180 cây, khoảng 1 héc-ta.
Hàng ngày anh Duận chú tâm vào chăm sóc vườn cây sầu riêng theo kinh nghiệm học hỏi từ bà con trong vùng đi trước và kiến thức tiếp thu qua các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây sầu riêng do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức. Những ngày rảnh rỗi anh còn đi làm thuê phát cỏ cho bà con quanh vùng, mỗi ngày được 280 ngàn đồng.
Ngoài ra, gia đình anh Nhuận còn được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, anh Duận bỏ thêm 2 triệu đồng mua một con bò cái giống chăm sóc nay chuẩn bị phối giống.
Chị Duyên vợ anh Nhuận, ngoài việc đảm đang việc nhà, chăm sóc con để chồng an tâm làm kinh tế gia đình, chị còn bán tạp hóa tại gia đình và tham gia công tác xã hội làm Mặt trận thôn, không chỉ có thêm tiền phụ cấp mà còn là niềm vui khi đi vận động bà con thực hiện chủ trương của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, an ninh trật tư, đặc biệt là chủ trương tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự “cho không” của Nhà nước đối với các hộ nghèo.
Giờ thì gia đình anh Duận-chị Duyên rất vui khi nhìn về tương lai với nền tảng sản xuất từ 1 héc-ta sầu riêng hứa hẹn một thời thời gian không xa sẽ cho gia đình một nguồn thu nhập bền vững, ổn định. Còn hiện tại từ nguồn thu nhập chính từ các loại cây trồng khác như bắp, mỳ, ngày công làm thuê của anh Duận và thu nhập từ bán tạp hóa, trợ cấp Mặt trận thôn của gia đình anh Duận đủ để trang trải sinh hoạt gia đình và đầu tư cho sản xuất.
Theo chuẩn nghèo đa chiều, gia đình của anh Duận-chị Duyên đã thoát khỏi hộ nghèo vào năm 2022.
Chị Cao Thị Bích Vân, Mấu Thị Thúy, cán bộ LĐ-TB&XH xã Sơn Trung cho biết, với địa hình chủ yếu là đồi núi, xã có 3 thôn, 7 dân tộc anh em sinh sống trong đó dân tộc Raglai chiếm 70% dân số toàn xã, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, buôn bán và chăn nuôi.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bên cạnh việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân, UBND xã đã tích cực tuyên truyên, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên.
Sau 2 năm (2021-2022) thực hiện chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 43,24% cuối năm 2021 xuống còn 37,67% cuối năm 2022 (giảm 5,57 %), hiện toàn xã còn 313 hộ nghèo.
Đạt được những kết quả trên, Đảng ủy, UBND xã, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã quan tâm, đưa công tác giảm nghèo bền vững trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên được cụ thể hóa thành Nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của UBND xã, tích cực tuyên truyền để khơi dậy tính tự lực của người nghèo, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh.
Ông Phan Trường Nam, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết thêm, xã đề ra chỉ tiêu phấn đầu đến cuối năm 2023, giảm 49 hộ nghèo, còn 264 hộ, tỷ lệ 31,69%, giảm 5,97% so với năm 2022. Để đạt được mục tiêu đó, xã xác định rõ một trong những giải pháp quan trọng nhất trong công tác giảm nghèo chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng, để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo.
Chính vì vậy, công tác nâng cao năng lực, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo luôn được Đảng ủy, UBND, Ủy ban mặt trận tổ quốc và các hội đoàn thể quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện.Đảng ủy thường xuyên triển khai công tác giảm nghèo đến Đảng viên, Bí thư chi bộ thôn trong buổi sinh hoạt Chi bộ hàng tháng, trong buổi Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết.
Các ban ngành đoàn thể tuyên truyền về các hoạt động giảm nghèo, các chế độ chính sách, giới thiệu kinh nghiệm, cách làm hay, kiến thức khoa học kỹ thuật trồng cây ăn trái, chăn nuôi, thay đổi sinh kế, từng bước làm chuyển biến nhận thứccho người dân đến người dân, hội viên trong các cuộc họp của thôn, sinh hoạt chi hội..
Ngoài ra, Đảng ủy xã đã ra Quyết định số 75-QĐ/ĐU ngày 31/01/2023 về phân công các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ xã, Bí thư, phó bí thư các chi bộ, Chi ủy viên chi bộ phụ trách theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo tại các thôn trên địa bàn xã.Việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ nghèo ở nơi cư trú góp phần cùng cấp ủy, chính quyền chung tay thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ ở địa phương.
Theo đó, thôn Tà Nĩa có 83 hộ nghèo, thôn Ma O có 176 hộ nghèo, thôn Chi Chay có 54 hộ nghèo, các đồng chí được phân công nhiệm vụ có trách nhiệm nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tình hình đời sống của bà con hộ nghèo, tuyên truyền đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, hỗ trợ hướng dẫn chăm sóc cây ăn trái, canh tác đất trồng rau… kịp thời phản ánh lên Ban thường vụ đảng ủy những vướng mắc, khó khăn để kịp thời giải quyết.
Hộ nghèo đã vươn lên xây được nhà khang trang:
Gia đình anh chị Mấu Văn Lập-Bo Bo Thị Nguyệt ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình hiện vẫn đang là hộ nghèo, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, hiện nay gia đình kinh tế hộ gia đình anh Lập trong thời gian tới có nguồn thu nhập khá chắc chắn.
“Qua thống kê rà soát hộ nghèo sơ bộ năm 2023, gia đình anh Lập với tiêu chí thoát nghèo như hiện nay chắc chắc sẽ thoát khỏi hộ nghèo vào cuối năm 2023”- Chị Mấu Thị Thúy, cán bộ phụ trách LĐ-TBXH xã Sơn Trung cho biết.
Anh Lập chia sẻ, trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình cũng từ cây lúa, mì, bắp nên không cao, chỉ đắp đổi qua ngày. Cũng nhờ sự vận động chuyển đổi cây trồng, gia đình anh Lập chuyển qua trồng sầu riêng.
Nguồn vốn để gia đình anh lập đầu tư trồng sầu riêng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho hộ nghèo vay 50 triệu đồng với lãi suất tín dụng ưu đãi, đi đôi với tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng sầu riêng. Gia đình anh Lập đã trồng được 160 cây sầu riêng (tương đương 7 sào đất), tháng 7/2023 vừa qua sầu riêng nhà anh lập đã cho thu hoạch lứa đầu được 65 triệu đồng.
Ngoài thu nhập sầu riêng, anh Lập chon làm vườn thêm, mỗi tháng khgoangr 10 ngày (mỗi ngày 250 ngàn đồng), số tiền này anh dung vào chi phí sinh hoạt gia đình và mua phân, thuốc đầu tư sầu riêng.
Niềm vui nữa của gia đình anh Lập là anh vừa mới xây xong căn nhà 80 m2 khang trang, khoảng 250 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng và kinh phí gia đình bỏ thêm 180 triệu đồng từ nguồn vốn tích lũy gia đình và vay thêm Ngân hàng NN&PTNT. Từ cơ sở sản xuất ổn định, nhà cửa khang trang, anh Lập rất phấn khởi khi biết mình đã vượt qua ngưỡng hộ nghèo.
“Không còn hộ nghèo nữa là niền vui của gia đình, mình nên nhường lại sự hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ nghèo khó khăn hơn” - Anh Lập chia sẻ.
Ông tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách giảm nghèo; chế độ an sinh xã hội luôn được xã quan tâm, tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể thực hiện, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm và huy động các nguồn lực của Nhà nước, cộng đồng xã hội.
Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, nhiều người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã được hỗ trợ, giúp đỡ vượt qua khó khăn để hòa nhập cộng đồng.
Nhìn chung các hộ nghèo được UBND xã phân công theo dõi giúp đỡ để thoát nghèo đa số có nhiều hộ chịu khó làm ăn, các mô hình sản xuất cấp cho hộ nghèo đa số các hộ đều chăm sóc tốt.