Nỗ lực vươn lên để thoát nghèo bằng cả ý chí và nghị lực
- Dược liệu
- 16:20 - 16/08/2023
Một chiều muộn tháng 6, chúng tôi theo chân cán bộ LĐ-TB&XH xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới) đến thăm gia đình anh Hồ Viết An (SN 1983, người Tà Ôi) tại thôn AR - Kêu - Nhâm. Trong ngôi nhà nhỏ đã xây cất từ khá lâu, chị Lê Thị Liên (vợ anh An) đang tay bồng, tay bế 2 cháu nhỏ chưa đủ tuổi. Đó là 2 đứa con sinh đôi của gia đình anh An. Cùng với đứa con trai 4 tuổi và người cha già mắc chứng bệnh tâm thần, vợ chồng anh An đang có 4 người phụ thuộc. Hoàn cảnh là vậy, nhưng người đàn ông Tà Ôi ấy cho biết chưa bao giờ nản chí và luôn nỗ lực vươn lên.
“Ngay từ nhỏ, mấy anh em tôi đã chịu thiệt thòi khi mẹ mất còn ba phát bệnh tâm thần. Vì quá khó khăn, 2 đứa em của tôi từng được đưa về nuôi dưỡng, sinh sống tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, còn tôi ở lại trên này với người than. Sau khi học hết cấp 3, tôi còn theo học tại Đại học Nông lâm Huế theo hệ tại chức để mở mang kiến thức”, anh An kể.
Là một người rất có nghị lực, anh An đã nỗ lực phát triển sinh kế, tự tạo công an việc làm cho bản than ngay tại quê nhà. Năm 35 tuổi - cái tuổi khá muộn đối với người đồng bào, anh tìm hiểu rồi đi đến kết hôn với chị Liên (cũng xuất thân từ gia đình nghèo khó). Thấu hiểu nỗi cơ cực do cái nghèo, cái đói mang lại, 2 vợ chồng quyết định vay vốn ngân hàng để mua bò giống sinh sản về chăn nuôi. Sau nhiều năm chăm sóc, hiện vợ chồng anh An đã có trong tay đàn bò 8 con. Không những thế, họ còn tiếp tục đầu tư chăn nuôi vịt và hiện có hơn 200 con vịt thương phẩm và trồng thêm gần 1ha chuối đặc sản già lùn của A Lưới.
“Mô hình sản xuất của gia đình tương đối thuận lợi và mang lại nguồn thu nhập đến thời điểm hiện tại có thể nói tạm ổn định. Sản phẩm từ cây chuối, như lá, cây, tôi mang cho vịt, bò ăn, sau đó lại dùng phân chuồng để bón cho cây. Vừa rồi gia đình cũng đã mua được 6 sào đất và dự định sẽ mở trang trại”, anh An tâm sự. Được biết, không chỉ giỏi làm ăn, nỗ lực vươn lên bằng ý chí, nghị lực bản thân, gia đình anh An còn có nhiều đóng góp cho cộng đồng, thôn bản và đã được chính quyền xã tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nhâm.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại xã Quảng Nhâm, hiện nay có nhiều gia đình người Pa Cô, Tà Ôi đã và đang nỗ lực phát triển mô hình sinh kế, tự ý thức vươn lên thoát khỏi nghèo đói. Có nhiều trường hợp trở thành điển hình được nhiều người tìm đến học tập, như: mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, trồng chuối già lùn và sâm Bố Chính của hộ anh Nguyễn Hải Teo (thôn Pi Ây 2); mô hình nuôi lợn hữu cơ kết hợp trồng chuối già lùn của anh Hồ Viết Ái Duy (thôn Âr Kêu),… Tất cả những mô hình sinh kế này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện đời sống của nhiều hộ dân, đặc biệt có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện A Lưới, thời gian vừa qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. UBND huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo chi tiết, trong đó tập trung phân tích rõ các nguyên nhân nghèo và khả năng thoát nghèo của từng hộ, xác định rõ chỉ tiêu, địa chỉ cụ thể, đề ra giải pháp phù hợp. Bên cạnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, A Lưới đã thực hiện tốt việc huy động, phân bổ nguồn lực chương trình giảm nghèo, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. A Lưới cũng đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.