CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:12

“Bom nước” chờ gây họa

 

 

 Đập chờ sạt lở

  1.  
  1. Nỗi ám ảnh của vùng hạ lưu

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên phát hiện nhiều hồ chứa nước bị xuống cấp, mất an toàn khi mùa mưa lũ đến. Nằm cheo leo giữa vùng đồi núi, hồ chứa nước Đá Vàng (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) xây dựng từ năm 1988 với  dung tích 450.000 m3. Do không được thường xuyên nâng cấp, tu bổ nên từ lâu, hồ đã xuống cấp nghiêm trọng và trở thành nỗi ám ảnh của hơn 200 hộ dân sống vùng hạ lưu mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Theo ghi nhận của phóng viên, một số hạng mục công trình hồ chứa nước Đá Vàng như thân, nền và vai trái đập bị thấm. Tại phần mái hạ lưu đập cũng xuất hiện vùng trượt ở giữa với chiều dài 50 m nên nguy cơ mất an toàn rất cao. Riêng tràn xả lũ đang ở hiện trạng tự do, không chủ động cho việc tích nước và xả lũ. “Hơn 20 năm qua, mỗi khi đến mùa mưa lũ, chúng tôi ăn không ngon ngủ không yên vì sợ vỡ hồ Đá Vàng. Nó đã xuống cấp từ lâu nhưng không được tu bổ” - ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ thôn Bình An, xã Phước Thành) lo lắng.

Tỉnh Bình Định đang có khoảng 45/161 hồ chứa trong tình trạng tương tự. Hầu hết các hồ được xây dựng từ 40 năm trước nên đã xuống cấp. Ngoài ra, địa phương này còn có khoảng 130 đập đất chưa đáp ứng tiêu chuẩn phòng chống lũ.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 112 hồ đập thủy lợi. Ngoài các công trình nhỏ bị hư hỏng nhẹ, địa phương này có 8 hồ thủy lợi lớn bị hư hỏng nặng, gồm: Ayun Hạ (huyện Phú Thiện); Ia Ring (huyện Chư Sê); Buôn Lưới, Pleito Kôn (huyện Kbang); Hà Tam (huyện Đắk Pơ); Ia Năng, Làng Me (huyện Ia Grai) và Ea Dreh (huyện Krông Pa). Cụ thể: hồ Ia Năng - có dung tích 1,2 triệu m3, phục vụ nước tưới cho 135 ha cây trồng - đang bị lún thân đập, cống lấy nước hư hỏng, tràn xả lũ chảy tự do không có van điều tiết... Trong khi đó, vùng hạ lưu hồ là hàng trăm ha hoa màu cùng hàng trăm hộ dân đang sinh sống.

Tại tỉnh Kon Tum, qua kiểm tra 524 hồ thủy lợi, các đơn vị chức năng đã kết luận một số đập đất có vết nứt, xói lở mái hạ lưu, biến dạng phần lát đá, hư hỏng ở phần thân cống, dàn van đóng mở và hệ thống đóng mở rò rỉ, gây nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Toàn tỉnh Ninh Thuận có 20 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 192 triệu m3. Tuy nhiên, hiện có ít nhất 5 hồ đang hư hỏng một số hạng mục quan trọng. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết khi kiểm tra an toàn hồ đập vào tháng 8 vừa qua, đã phát hiện nhiều chỗ của bề mặt mái hạ lưu đập hồ Sông Sắt (huyện Bác Ái) bị xói sâu vào trong, hai bên mang tràn xả lũ có hiện tượng thấm, gây  sụt lún. Đây là hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Ninh Thuận với dung tích thiết kế gần 70 triệu m3, cung cấp nước tưới cho trên 3.800 ha đất của huyện vùng cao này. Hư hỏng nặng nhất là hồ Lanh Ra (xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước) với dung tích gần 14 triệu m3. Bê-tông ở mặt đập chính xuất hiện nhiều vết nứt theo chiều dọc thân đập với chiều dài khoảng 25 m, mái hạ lưu bị sạt lở, rãnh thoát nước hư hỏng...

Chỉ sửa chữa hồ nhỏ

Huyện Phù Mỹ là địa phương có nhiều hồ chứa nước nhất tỉnh Bình Định, với 45 hồ. Hiện phần lớn các hồ này đang xuống cấp, cần được tu bổ ngay. Tuy nhiên, do không có kinh phí, huyện chỉ duy tu những hồ chứa có nguy cơ mất an toàn nhất. “Trong các hồ chứa ở địa phương, hồ Hóc Môn, với dung tích gần 3 triệu m3 nước đang xuống cấp nặng và nguy cơ mất an toàn cao, nên chúng tôi phải tranh thủ từ nhiều nguồn để tu bổ, với số tiền 22 tỉ đồng” - ông Trần Đình Thời, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết.

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, do kinh phí hạn hẹp nên việc tu bổ ưu tiên cho những hồ chứa nước nhỏ, xuống cấp nặng còn những hồ chứa nước lớn thì phải chờ kinh phí hỗ trợ của trung ương. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết, 10 năm qua, tỉnh này chỉ mới sửa chữa được 40 hồ chứa, đập dâng xuống cấp. Địa phương vẫn còn 45 hồ chứa nước đang xuống cấp nghiêm trọng cần được nâng cấp, tu bổ khẩn cấp” 

Đối với các hồ chứa nước xuống cấp ở Gia Lai, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu cho UBND tỉnh xin hỗ trợ từ trung ương với kinh phí lên gần 288 tỉ đồng để đầu tư, sửa chữa. “Một số công trình hư hỏng nhỏ thì địa phương đã trích kinh phí tu sửa rồi, còn những công trình lớn bị hư hỏng nặng thì phải đề xuất để Bộ NN&PTNT hỗ trợ” - ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, nói.

Để đối phó với tình trạng hồ chứa nước xuống cấp, mất an toàn trong mùa mưa lũ, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum đã tổ chức diễn tập vận hành liên hồ chứa thủy điện Ialy và Sê San. Theo ông Trần Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, việc diễn tập tập trung vào các tình huống ngoài tầm kiểm soát như xả lũ trong trường hợp khẩn cấp.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết, trong quá trình vận hành hệ thống hồ đập, đơn vị đã kịp thời phát hiện các hạng mục hư hỏng của các hồ thủy lợi và có văn bản đề nghị tỉnh cấp kinh phí để sửa chữa. Tuy nhiên đến nay, công tác này vẫn chưa được thực hiện. Cụ thể: Đối với hồ Sông Sắt, từ cuối tháng 10-2013, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt thiết kế duy tu nhưng vẫn chưa bố trí vốn; hồ Ông Kinh phê duyệt từ tháng 10/2011, hồ CK7 phê duyệt từ tháng 5/2013, nhưng đến nay cũng chưa cấp kinh phí.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh