THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:32

“Bội thực” chính sách nhưng thiếu nguồn vốn cho vùng Dân tộc thiểu số và miền núi

Theo tờ trình của Chính phủ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật phong phú đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn nước cung cấp cho khu vực đồng bằng.

“Bội thực” chính sách nhưng thiếu nguồn vốn cho vùng Dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận

Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt, nhưng hiện nay vẫn là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Từ tình hình trên, rất cần thiết phải xây dựng "Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn" nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Thảo luận về nội dung này, Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, tăng cường nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có thể khẳng định rằng 118 chính sách đang có hiệu lực bao phủ hầu hết trên các lĩnh vực kinh tế xã hội cùng với kết quả tăng trưởng cao phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ, chính sách tín dụng cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách Ngân hàng Nông nghiệp thực sự là bà đỡ có hiệu quả. Chính vì vậy đời sống kinh tế xã hội diện mạo buôn làng không ngừng được nâng lên, tạo ra động lực mới niềm tin mới trong đồng bào các dân tộc.

“Bội thực” chính sách nhưng thiếu nguồn vốn cho vùng Dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 2.

Đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị cần phân định rõ những lĩnh vực nào phải đầu tư toàn diện lĩnh vực nào là trợ giúp

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm tới 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước, còn 221.754 hộ thiếu đất sản xuất, 80.960 hộ thiếu đất 370.150 hộ chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh. Theo đại biểu Đinh Duy Vượt, Đề án đã nêu rõ nguyên nhân tồn tại nhưng có thể khái quát tình trạng "bội thực chính sách" nhưng thiếu nguồn vốn, điển hình như Chương trình mục tiêu Quốc gia 3 năm chỉ đạt 52,1% tổng nhu cầu vốn.

"Nhiều chính sách không bố trí được nguồn vốn như chính sách đặc thù, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội theo Quyết định 2085, 2086, chính sách bảo vệ rừng theo Nghị định 75 quyết định 38 do quá nhiều chính sách dẫn đến chồng chéo, phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm triệt tiêu, hiệu quả chính sách khác; tình trạng mất rừng, thiếu đất, sa mạc hóa đã và đang thu hẹp không gian sống, không gian văn hóa ngay trên nơi chôn rau cắt rốn ngàn đời. Đây là vấn đề lớn cận kề nghiêm trọng phải kịp thời giải quyết"- đại biểu Đinh Duy Vượt nêu rõ.

Vì vậy, đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị cần phân định rõ những lĩnh vực nào phải đầu tư toàn diện lĩnh vực nào là trợ giúp. Thực tế, nhiều chính sách thời gian qua chỉ hỗ trợ không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp vì hộ nghèo thì không có tiền để đóng góp. Bên cạnh đó, bỏ chính sách cấp phân bón, giống cây, cấp muối, thậm chí là cấp bò cho hộ nghèo thiếu điều kiện vì không hiệu quả và lãng phí, phân tán nguồn lực.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh