THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:21

Thúc đẩy chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội thảo.


Tạo sự bình đẳng trong giáo dục

Báo cáo về việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với đồng bào DTTS, MN, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển.

Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN đã có những bước chuyển biến đáng kể, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước. Hệ thống trường lớp học được quan tâm đầu tư; tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm.

Hệ thống giáo dục chuyên biệt ngày càng phát huy hiệu quả. Hiện cả nước có 315 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) ở 49 tỉnh, thành phố với trên 100 nghìn học sinh nội trú. Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT dần được nâng lên qua từng năm học. Trong số 6.000 học sinh các trường PTDTNT tốt nghiệp THPT hàng năm, có trên 50% học sinh thi đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN còn nhiều bất cập, chất lượng giáo dục và đào tạo nhìn chung còn thấp so với yêu cầu. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng DTTS, MN. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhiều nơi còn bất cập, năng lực sư phạm hạn chế.

Quy mô và mạng lưới các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp vùng dân tộc thiểu số, miền núi có bước phát triển mạnh về số lượng, nhưng chất lượng đào tạo còn thấp, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho các địa phương còn chưa hợp lý. Việc tham mưu ban hành các chính sách cho người dạy, người học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Tăng cường giáo dục hòa nhập

Mô hình trường PTDTNT, phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại Hội thảo. Các ý kiến đều đồng tình cần duy trì mô hình này nhưng phải có những thay đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, Tương Dương là huyện miền núi giáp ranh với Lào, do đặc thù địa bàn rộng đi lại khó khăn, có xã cách trung tâm huyện tới 140km, nhiều bản cách trung tâm xã hơn 30km. Vì vậy, từ khi có mô hình bán trú cấp THCS, Tiểu học, Mầm non chất lượng giáo dục của huyện được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, ở bậc THPT lại đang gặp khó khăn. Trước đây, bậc THPT cấp huyện là trường DTNT nhưng từ năm 2013 trường THPT cấp huyện không còn chức năng nội trú nên nhiều học sinh phải thuê nhà trọ bên ngoài. Việc này dẫn đến nhiều hệ lụy, các em gặp khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, bỏ học,... Từ thực tiễn của địa phương, ông Nhất kiến nghị cần tái tổ chức lại hệ thống trường THPT DTNT, THPT DTBT cấp huyện.

Cũng bàn về vấn đề mô hình trường PTDTNT, bán trú, đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng, cần xem xét triển khai mô hình giáo dục hòa nhập, để học sinh dân tộc thiểu số học chung với học sinh người Kinh. Điều này sẽ giúp cho chất lượng giáo dục tốt hơn, tạo cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, tăng lên sự tự tin cho học sinh dân tộc thiểu số. Theo đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Long, mô hình này trước đây đã có rồi, nay cần tổ chức lại sao cho phù hợp và hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm về giáo dục hòa nhập, ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nên để học sinh dân tộc thiểu số được học tập cùng học sinh người Kinh vì các em học sinh dân tộc vốn rụt rè, mặc cảm, học tập hòa nhập sẽ giúp các em năng động, hòa đồng hơn.

Một chính sách khác dành cho học sinh dân tộc thiểu số cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận là việc cần thay đổi hình thức hỗ trợ cho học sinh DTTS. Ông Nguyễn Viết Mười, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Sóc Trăng là “vựa lúa”, vì vậy việc cấp gạo cho học sinh DTTS ở đây là không phù hợp. Ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) thì đề xuất nên thay hỗ trợ gạo bằng hỗ trợ tiền cho học sinh, vì thực tế việc vận chuyển tốn kém, học sinh khó khăn trong việc bảo quản gạo trong một thời gian dài dẫn đến lãng phí.

Thay hỗ trợ bằng trao cơ hội

Đối với chính sách cử tuyển, hầu hết các ý kiến đồng tình phải giữ chính sách này song cần có những điều chỉnh. Ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng nhận định, đây là chính sách đặc thù cần phải duy trì. Đồng thời, kiến nghị, quá trình xem xét đối tượng cử tuyển phải cận thẩn, tỉ mỉ;  sau cử tuyển phải sử dụng, “nếu không sử dụng sẽ không tính được hiệu quả của chính sách cử tuyển”.

Đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết, chính sách cử tuyển hiện nay cần phải điều chỉnh, vì thiếu sự công bằng cho những học sinh học tốt. Thực tế cho thấy, những học sinh DTTS học tốt đỗ thẳng đại học sẽ không nhận được hỗ trợ, trong khi những học sinh học kém hơn đi theo chế độ cử tuyển lại nhận được hỗ trợ.

Một số ý kiến cũng bày tỏ sự lo lắng khi hiện nay nhiều sinh viên cử tuyển học xong không được bố trí việc làm và đề nghị cần có sự ưu tiên trong tuyển dụng những đối tượng này.

Ông Hà Đức Đạt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chỉ ra 3 điểm mấu chốt trong chính sách cử tuyển: “cử” là do địa phương; “đào tạo” là do Bộ GD&ĐT và “tuyển” là sử dụng ngay sau đào tạo, nếu không gỡ được “tuyển” sẽ mất ý nghĩa của chính sách cử tuyển.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước.

Sau 15 năm thực hiện nghị quyết 24 của Ban chấp hành TW khóa IX về công tác dân tộc với 5 nhóm chính sách về giáo dục, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo cơ hội học tập và phát triển cho đồng bào DTTS, MN, mô hình giáo dục được cải tiến theo hướng “mang trường đến với học trò và mang học trò đến trường”.

Tuy nhiên, trước những thay đổi của thực tế, Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng, việc phát triển giáo dục vùng DTTS, MN cần có những cách tiếp cận mới, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Trong đó, chú ý đến việc điều chỉnh chương trình đào tạo cho học sinh vùng DTTS, MN; chính sách phân luồng, hướng nghiệp; đổi mới mô hình trường dân tộc nội trú, bán trú theo hướng tăng cường hòa nhập, nâng cao chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo; thay đổi hình thức hỗ trợ cho học sinh DTTS, MN phù hợp với từng vùng miền…

Đối với chính sách cử tuyển, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là chính sách cần thiết nhưng phải được điều chỉnh ở cả khâu tuyển chọn, đào tạo và sử dụng. Ưu tiên trước hết cho những học sinh có lực học tốt. Ngành nghề đào tạo cử tuyển cần cơ cấu lại, đồng thời gắn trách nhiệm và quyền lợi của người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển.

“Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị ban hành 11 chính sách mới và sửa đổi, bổ sung 3 nhóm chính sách hiện hành nhằm tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN phát triển thuận lợi và thực chất hơn. Quan điểm của chúng tôi là chính sách cho giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN phải chuyển từ hỗ trợ sang tạo cơ hội, có như vậy chính sách mới đi vào cuộc sống và tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS, MN” - Bộ trưởng chia sẻ.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh