THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:42

Hỗ trợ phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số, miền núi

 

Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 3% đến 4%/năm.

Bên cạnh đó, giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn.


Ảnh minh họa

 

Nguyên tắc thực hiện là hỗ trợ trực tiếp đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; các hộ được hỗ trợ phải sử dụng vốn đúng mục đích.

Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt 

Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp thiếu đất ở, đất sản xuất theo mức bình quân của địa phương, thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí ngân sách, tạo quỹ đất để giao đất cho các hộ làm nhà ở. Mức giao đất ở cho hộ do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định phù hợp với thực tế của địa phương. 

Hộ chưa có đất sản xuất nếu có nhu cầu thì được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền tối đa 15 triệu đồng/hộ từ ngân sách nhà nước và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất.

Trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì hộ chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề từ ngân sách nhà nước bằng tiền tối đa 5 triệu đồng/hộ và vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội để làm dịch vụ hoặc làm nghề khác tăng thu nhập.

Các đối tượng nêu trên chỉ được thụ hưởng một trong hai chính sách hỗ trợ đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn thiếu nước sinh hoạt được hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi 

Hộ thiếu đất sản xuất quy định nêu trên, hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi.

Cụ thể, phương thức cho vay thực hiện theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; mục đích vay tạo quỹ đất sản xuất, làm dịch vụ hoặc làm nghề khác để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Định mức vay không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ; thời hạn vay tối đa là 10 năm; lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ.

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay và có thể ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Hộ được vay vốn là thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn.

Ngoài ra, bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư. Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách, kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007, Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 và Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ: Tiếp tục đầu tư các công trình theo kế hoạch được duyệt tại các điểm định canh, định cư tập trung; bố trí vốn thanh toán cho các công trình hạ tầng tại các điểm định canh, định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng còn thiếu vốn; chi trả các khoản hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh