CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:09

Bên anh không chỉ có mình em

Yên tâm người ở nhà, vững lòng người ra khơi

Lấy nhau được hơn 3 năm, vậy mà Bùi Thị Thu Hiền (28 tuổi)- nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, vợ của  Thượng úy Cảnh sát biển Tạ Viết Cường, không thể nhớ hết những chuyến ra khơi xa của chồng. Thấy tôi có vẻ băn khoăn, Hiền tủm tỉm cười, bảo: “Vợ chồng bên nhau ở nhà mới hiếm, xa nhau thì như cơm bữa, em tính sao nổi”.

Ngồi ôm con trai Tạ Bùi Gia Phúc (gần 3 tuổi) trong căn nhà nhỏ thuê của người bà con ở phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Thu Hiền kể về cảnh vợ ở đất liền, chồng suốt ngày... cưỡi sóng.

Chị Bùi Thu Hiền vợ Thượng úy Cảnh sát biển Tạ Viết Cường (ảnh internet)

Theo đó, Thượng úy Tạ Viết Cường thường xuyên công tác xa nhà, có những chuyến anh đi biền biệt 3- 4 tháng. Mới đây, sau chuyến công tác xa nhà gần 6 tháng, anh vừa trở về nhà rồi lại vội đi ngay. Hiền kể: “Lúc đó em không biết Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam.

Chỉ sau mấy ngày lại thấy anh về, băn khoăn về quy luật... lạ, em thắc mắc, anh mới kể rõ tình hình ngoài biển Đông. Hóa ra, tàu Cảnh sát biển 2012 của anh ra vùng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép để bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc, đã bị tàu hải cảnh của Trung Quốc liều lĩnh đâm, gây hư hỏng nặng, phải quay về đất liền để sửa chữa gấp.

Ở nhà được vài ngày, những lúc chơi đùa với vợ con, dù anh cố giấu nhưng em vẫn nhận thấy sự âu lo, căng thẳng. Em gặng hỏi, anh bảo, mong sửa tàu thật nhanh để ra ngay Hoàng Sa, anh em mình ngoài đó đấu tranh căng thẳng lắm”. Trầm ngâm hồi lâu, người vợ trẻ ấy chia sẻ rằng, cô đã từng rất lo cho hoàn cảnh chiến đấu cam go của chồng cùng các đồng đội của anh. “Không lo sao được khi chồng mình đang phải ngày đêm đối diện với hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió, phải căng đầu xử lý mọi tình huống trước đối phương luôn muốn dùng thế lực bá quyền để đe dọa, chèn ép các ngư dân và tàu thực thi pháp luật của Việt Nam”, Hiền nói.

Cũng vì lo lắng, hàng ngày ngoài giờ đi làm, dù phải chăm lo cho con trai còn nhỏ, Hiền vẫn luôn theo dõi đầy đủ các bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Hiền cũng thường xuyên lên mạng để cập nhật thêm thông tin.

Khi biết hành vi gây hấn đặc biệt nguy hiểm của Trung Quốc bị quốc tế lên án mạnh mẽ, cô đã yên lòng, động viên chồng khi hai người nối được liên lạc để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng. Nhớ lại có lúc nằm bên nhau, nghe chồng đọc câu thơ của những  người đi biển: “Đêm nay anh gối tay nàng/ Ngày mai ra biển gối đàng dây neo”, Hiền bảo: “Em không cầm được nước mắt và nhớ chồng da diết”.

Ghìm nén xúc động, Hiền kể, những ngày qua có nhiều cơ quan, tổ chức, bạn bè, đồng nghiệp, người thân và người dân địa phương đã đến chia sẻ, động viên, nhiều người ở xa cũng gọi điện hỏi thăm liên tục, nhờ thế Hiền cùng những người vợ lính biển khác cũng thấy ấm lòng và được tiếp thêm nghị lực, niềm tin để vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Em sẽ truyền lửa yêu thương từ đất liền ra khơi xa để anh Cường và các đồng đội có thêm sức mạnh, tiếp tục kiên trì đấu tranh đến ngày Trung Quốc phải đưa giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam”, người vợ trẻ nói vậy.

Nhiều triệu trái tim bên anh

Căn phòng trọ của hai vợ chồng Trung úy Cảnh sát biển Nguyễn Tiến Đạt (tàu CSB 2016) và Dư Thị Dung nằm trong con hẻm nhỏ ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Đưa mắt nhìn căn phòng nhỏ, Dung tỏ ra ái ngại khi trong nhà không có nổi bộ bàn ghế để tiếp khách. Trải manh chiếu xuống nền nhà, rót ly nước lạnh mời tôi, cô cười phân bua: “Anh thông cảm nhé, tụi em còn trẻ mà”. Nói chuyện với tôi, Dung vẫn không rời mắt khỏi màn hình ti vi, bỗng cô nói nhanh: “Anh coi, tàu Trung Quốc lại đâm tàu 2016 của chồng em 4 lỗ rồi kìa”.

Câu nói của Dung ẩn chứa bao điều âu lo của hậu phương đất liền.  Vợ chồng Trung úy Đạt đã có con trai 17 tháng tuổi. Ôm con vào lòng, Dung kể: “Anh  Đạt đặt tên cháu là Hải Quân, mong ước sau này con sẽ vững vàng nối nghiệp cha, làm người lính tiên phong bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ ngày cưới, chúng em rất ít có thời gian dài bên nhau, công việc của người lính biển khiến anh Đạt luôn phải cưỡi sóng từ vùng này đến vùng khác. Chồng em đi Lý Sơn gần hai tháng, vừa về lại đi Hoàng Sa ngay, bố bị tai biến cũng không kịp về thăm hỏi, chăm sóc”.

Dung nói với tôi rằng, trong những chuyến công tác dài ngày trước đây, cô thấy rất bình thường, bởi đã làm vợ lính biển thì phải chấp nhận hy sinh tình cảm cá nhân, chia sẻ khó khăn cùng chồng. Lần này chồng ra khơi, thấy tình hình ngoài Hoàng Sa căng thẳng, Dung không khỏi lo lắng.

Những chiến sĩ CSB làm nhiệm vụ ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam

Những ngày đầu của chuyến công tác, cô bồn chồn không yên, canh đến chương trình thời sự là bật ti vi, rồi cũng lên mạng để theo dõi tình hình Hoàng Sa. “Hành vi của tàu Trung Quốc nguy hiểm như thế, không lo sao được hả anh”, Dung nói với tôi mà như nói với chính lòng mình. Gần đây, được mọi người động viên, thăm hỏi và phân tích tình hình, Dung đã yên tâm hơn. Cô nói: “Mình có lẽ phải, có chính nghĩa, lại được quốc tế ủng hộ nên chắc chắn sẽ thắng.

Những ngày này em mới thực sự cảm nhận được trọng trách vinh quang của lực lượng cảnh sát biển và tự hào khi có chồng đứng trong đội ngũ đó, đang ngày đêm kiên cường đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”.

Đã hơn một tháng Trung úy Đạt ra Hoàng Sa, mẹ con Dung ở nhà được rất nhiều người quan tâm, đỡ đần. Cô tâm sự: “Ở cạnh nhà em, bác Thương có chồng cũng là bộ đội về hưu, từng một mình nuôi con để chồng đi chiến đấu, vì thế bác rất thông cảm với mẹ con em. Hàng ngày bác đều chăm sóc cho bé Hải Quân và động viên để em yên tâm công tác.

Nếu có thể, anh hãy gửi cho nhà em một lời nhắn, đó là: “Anh ơi hãy vững vàng, mạnh mẽ nơi đầu sóng để bảo vệ chủ quyền đất nước. Bên anh không chỉ có mình em mà còn có nhiều triệu trái tim cùng yêu hòa bình và công lý” anh nhé”.

Giang Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh