Biết - Thích - Tin - Yêu: Áp dụng "quy tắc kinh doanh" từ mẹ tôi
- Bác sĩ
- 15:08 - 27/08/2020
- Mẹ tôi có 32 năm trong lĩnh vực tính toán thu chi, quản lý nguyên vật liệu và chế biến thực phẩm (nấu ăn).
- Mẹ đã có 31 năm trong việc định hướng, giáo dục, phát triển con người bền vững (dạy dỗ con cái).
- Bà còn là một bậc thầy về kỹ thuật về Marketing truyền miệng (cả khu vực nơi tôi ở, cả những người bạn của tôi, đều đột nhiên bắt đầu mai mối cho tôi; tôi nghĩ mẹ mình có liên quan).
- Mẹ thường không tổ chức quá nhiều sự kiện, nhưng mỗi lần tổ chức, mẹ luôn phân chia hợp lý nhân sự cho từng công việc cụ thể, đảm bảo được số lượng người tham gia và chương trình diễn ra theo đúng kế hoạch (sinh nhật, đám cưới, đám giỗ...).
- Về kinh nghiệm kinh doanh, mẹ tôi từng có lần bán tạp hóa, không lâu.
...
Vâng! Bất cứ bà mẹ nào cũng có những kinh nghiệm này. Những người phụ nữ tuyệt vời!
Đặc biệt là kể từ lúc gia đình tôi mở nhà trọ, tôi lại càng nhận ra rằng mẹ mình còn có tài kinh doanh nữa. Không phải tôi tâng bốc mẹ, bởi một người bạn của tôi - nhiều kinh nghiệm kinh doanh ở các lĩnh vực khác nhau, cũng công nhận về đều đó.
Biết - Thích - Tin - Yêu, mẹ hoàn toàn không biết đến những khái niệm này. Nhưng khi ngồi phân tích lại, tôi chợt nhận ra bà đã áp dụng chúng từ khi nào.
BIẾT
Mẹ tôi luôn tận dụng triệt để việc truyền miệng, nhất là các "hệ thống camera chạy bằng cơm" (những bà hàng xóm) hay những người mà mẹ quen biết. Bà rất thích mời họ tới nhà chơi. Và như một thói quen, họ sẽ đi tuyên truyền, kể lại những gì mình được "tai nghe – mắt thấy".
Gần đây mẹ tôi còn quay clip thằng cháu tôi để đăng lên Facebook, YouTube. Bà bảo để cho vui, nhưng hiệu quả lại không ngờ.
Vì vậy, mẹ dạy tôi: "Hãy tận dụng quảng bá từ những nguồn đã có sẵn, thuộc vào điểm mạnh của mình, ít tốn kém, khai thác triệt để bằng nhiều cách khác nhau".
THÍCH
Mẹ tôi luôn hỏi thăm, tương tác với những người thuê trọ bất cứ khi nào có thể, dù gặp trực tiếp hay thông qua mạng xã hội (kênh marketing duy nhất của mẹ là Facebook - mẹ đều kết bạn với những người đến thuê và thường xuyên tương tác với họ). Khi họ thiếu vài nguyên liệu nấu ăn hay đồ dùng, mẹ tôi cho luôn, không lấy tiền. Nhiều lần bà đi chơi cùng họ, họ bao luôn, không lấy tiền.
Có thể nói, trong mắt tôi: họ là khách hàng – Nhưng trong mắt mẹ tôi: họ là bạn, là con cháu.
Vì vậy, mẹ dạy tôi: "Đừng xem khách hàng chỉ là khách hàng. Và hãy "Keep in touch-point" họ với một niềm vui như gặp người thân, bạn bè".
TIN
Có lần, phòng người ta có rắn bò vào, họ hốt hoảng phải nhờ mẹ tôi chạy qua "xử lý" hộ. Đến bây giờ, mẹ vẫn thỉnh thoảng trêu họ vì điều đó.
Khách thuê ở đây cũng chưa bao giờ mất đồ, vì "hệ thống an ninh" nhiều lớp và chặt chẽ (nhà tôi nuôi rất nhiều chó, camera cũng có, mỗi lần có người lạ mặt vào, mẹ liền "hỏi thăm" ngay). Nếu khóa phòng họ hư, khi ra ngoài, họ gửi đồ cho nhà tôi giữ. Khi đi đâu nhiều ngày, họ cũng gửi cho nhà tôi giữ nốt.
Vì vậy, mẹ dạy tôi: "Muốn người ta tin tưởng, đầu tiên phải giúp họ an tâm".
YÊU
Mẹ có hẳn một group người hâm mộ trên Facebook, đúng vậy, không đùa đâu! Tôi nghĩ lý do một phần là vì bà rất mát tay trong việc mai mối cho những nam thanh - nữ tú còn độc thân tại nhà trọ, và vụ này cũng khiến mẹ tôi tốn kha khá tiền mừng cưới. Bà còn thầu luôn việc tổ chức sinh nhật cho những khách thuê lâu năm, với vai trò là "trưởng ban tổ chức ăn chơi".
Mà mẹ tôi cũng chẳng bỏ tiền để quảng cáo hay làm website, vì những người ở đó đã là những nhân viên marketing giỏi nhất rồi (khách ở đây hầu hết do những người thuê cũ "dụ dỗ", "chèo kéo" đến). Thậm chí có người, dù làm ở chỗ cách nhà trọ tôi 90 cây số, họ vẫn không trả phòng dù mỗi tuần họ chỉ ở có 1 ngày. Mẹ tôi thấy họ phí tiền, mẹ khuyên, họ vẫn nhất quyết ở lại - mẹ đành chịu.
Vì vậy, mẹ dạy tôi: "Đáp ứng được những gì họ yêu cầu, sẽ chỉ chiếm được túi tiền. Nhưng đáp ứng được những gì họ không yêu cầu, sẽ chiếm cả con tim".
Trong mối quan hệ với khách hàng: mẹ tôi xem dãy nhà trọ là một khu dân cư thay vì là một nơi chỉ có người thuê - người cho thuê. Và nó đã trở văn hóa đặc trưng của nơi này.
Những điều mẹ tôi làm, mẹ đều không biết gọi tên hay quy trình của nó. Vậy mà tác động thật lớn lao - Mà suy nghĩ lại giản dị, mẹ nghĩ:
"Vì "mấy đứa ở đây", nó sẽ thoải mái hơn - vui hơn - yên tâm hơn... nên mẹ làm."