THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:56

Chuyện nhặt ở Trường Sa

1. Hôm ấy ở đảo Sơn Ca, tôi đang ngồi trò chuyện với mấy sĩ quan dưới tán cây bàng (giống bàng ở đất liền chứ không phải bàng vuông của Trường Sa) thì một nữ phóng viên đến và tự giới thiệu: “Chào các anh, em là phóng viên của Báo Quảng Ninh. Tòa soạn giao cho em viết bài về người Quảng Ninh công tác ở Trường Sa. Ở đảo có ai là người Quảng Ninh xin các anh giới thiệu cho em gặp”. Một thiếu tá nhanh nhảu nói: “Ở đảo có mấy người quê Quảng Ninh. Em ngồi chơi để anh gọi họ đến cho”.

Vài phút sau một anh lính trẻ vội vã đi đến. Không đợi nữ phóng viên hỏi, anh tự giới thiệu: “Em quê gốc ở Bắc Giang, bố mẹ em sống, làm việc và sinh con ở Quảng Ninh”. Một sĩ quan nói: “Có hộ khẩu Quảng Ninh là người Quảng Ninh rồi”. Người khác đế vào: “Người Quảng Ninh gốc Bắc Giang”. Mắt nữ phóng viên long lanh, miệng nở nụ cười tươi rói (sau này tôi biết Phạm Việt Hoa là họ tên của nữ phóng viên) câu trước, câu sau rồi kéo chiến sĩ trẻ tách ra ngồi cách chúng tôi hơn chục mét. Tôi liếc sang thấy hai chị em nói cười rối rít.

Cuộc trò chuyện thú vị với những công dân đặc biệt ở Trường Sa

 Mấy ngày sau, ở đảo Đá Tây, khi lên trần nhà của đảo, tôi thấy một anh lính trẻ nghiêm trang đứng gác, trong khi đoàn công tác đang giao lưu văn nghệ với đơn vị ở phía dưới. Tôi hỏi: “Đứng gác ở đây nóng nực lắm, có chịu nổi không Nghĩa?” (tên Bùi Hữu Nghĩa đeo trên ngực áo). Nghĩa trả lời: “Cháu ở đảo gần năm rồi nên cũng quen với nắng, gió chú ạ”. “Cháu trực đến mấy giờ thì thay phiên?”. “Phiên cháu trực chỉ 30 phút nữa là thay gác”. “Quê cháu ở đâu?”. “Cháu quê ở thị trấn Tiên Yên, Quảng Ninh”. Chợt nhớ đến nữ phóng viên Việt Hoa, tôi nói với Nghĩa: “Trong đoàn chú có cô nhà báo Quảng Ninh, đang tìm người Quảng Ninh để viết bài đấy”. Nghĩa vồ vập: “Thật ạ chú. Tý nữa chú giới thiệu cho cháu gặp chị ấy với”.

Khi đi xuống, tôi có ý tìm Việt Hoa để báo có người đất mỏ ở Đá Tây, nhưng do đoàn gần 200 người, nhóm thì làm việc với chỉ huy đảo, nhóm thì giao lưu văn hóa - văn nghệ, nhóm đi thăm nơi ở, nơi làm việc, vườn rau của đảo, nhóm lại đi xuồng sang thăm trạm hải đăng,... nên tôi không tìm được Việt Hoa. Phải đến khi Nghĩa hết ca gác, xuống giao lưu văn nghệ với đoàn, tôi mới nhìn thấy Việt Hoa. Khi nghe tôi thông tin và chỉ chỗ Nghĩa đang ngồi hát với văn công, Việt Hoa vội chạy về phía Nghĩa. Tôi thấy hai chị em tay bắt, mặt mừng như đã thân thiết nhau từ trước.Mấy ngày sau, lúc tôi đang trò chuyện với trạm trưởng trạm hải đăng Trường Sa Lớn, thì Việt Hoa cùng một giáo viên trẻ dạy học ở Trường Sa Lớn bước vào. Giáo viên trẻ nói: “Em ra đảo mấy tháng rồi, đây là lần đầu tiên đến thăm các anh, cho em lên xem đèn nhé”.

Học hè ở Trường Sa

Được trạm trưởng đồng ý, anh giáo viên trẻ thoăn thoắt lên xem đèn. Còn Việt Hoa ngồi lại, tôi giới thiệu: “Đây là nữ nhà báo Quảng Ninh, ra Trường Sa “săn” người đất mỏ để “bêu” lên báo”. Nghe tôi nói thế, một nhân viên của trạm chạy ra: “Đồng hương đâu, em là người Quảng Ninh đây”. Việt Hoa chuyển qua ngồi cạnh đồng hương. Qua câu chuyện của họ, tôi biết nhà của nhân viên kia cạnh trụ sở Báo Quảng Ninh của Việt Hoa. Sau một tuần từ Trường Sa trở về, Việt Hoa có 2 phóng sự ảnh và 1 bài viết về Trường Sa đăng trên Báo Quảng Ninh. Qua điện thoại Việt Hoa khoe với tôi: “Cháu còn 2 bài sẽ đăng trong thời gian tới”.

2. Sáng ấy đứng phía bắc đảo Sơn Ca, tôi bỗng nghe tiếng gọi: “Anh bộ đội ơi, cho em hỏi với”. Nhìn về phía người hỏi, tôi cười thầm, có lẽ thấy tôi đội mũ quân nhân, mặc áo trắng, quần xanh đen nên cô gái nhầm tôi là bộ đội Hải quân. Tôi đến gần, cô gái nói: “Anh chỉ cho em các loài cây trên đảo với”. Nói thế nhưng không đợi tôi giảng giải, cô gái chỉ các cây rồi lẩm bẩm: “Đây là muống biển, đây là phong ba, đây là bàng vuông...”.

Đợi cho cô chỉ và kể hết các loại cây trên đảo, tôi nói: “Biết tường tận các cây trên đảo rất quý, nhưng quý hơn vẫn là người ở đảo, mời em vào uống nước với lính đảo”. Tôi dẫn cô gái vào trò chuyện với mấy sĩ quan, chiến sĩ đang ngồi uống nước trước hiên nhà. Cô là Nguyễn Thị Sự, giáo viên Trường tiểu học Bắc An (huyện Chí Linh, Hải Dương), người đoạt giải Nhất cuộc thi viết về Trường Sa do Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Được Quân chủng Hải quân và Trung ương Đoàn mời tham gia tàu Thanh niên “Hành trình tuổi trẻ và biển đảo quê hương năm 2014”. Sự nói với chúng tôi: “Từ năm 1997 đến 1999, chồng em đóng quân ở đảo Sơn Ca và Nam Yết. Anh bây giờ là giảng viên ở Trường đại học Chính trị Bắc Ninh. Trước khi em đi, anh nói nếu ra đảo Sơn Ca xin chụp lưu bút của anh trong sổ truyền thống của đảo”. Ngừng một lát, Sự nói tiếp: “Kỳ lạ lắm các anh ạ.

Những cư dân ở thị trấn Trường Sa

Trước đây, cứ lên xe là em nôn thốc, nôn tháo. Khi em báo đi Trường Sa, ai cũng bảo em đừng đi vì đi tàu biển say hơn đi xe. Thế mà mấy ngày ở trên tàu rồi đi xuồng lên đảo em không hề say”. Một sĩ quan nói đùa: “Chắc là em say lính Trường Sa quên cả say sóng”. Sự cười: “Có lẽ thế thật”. Rồi Sự nói tiếp: “Ra Trường Sa em hiểu thêm công lao của cha ông, hiểu thêm về đất nước, nhận được nhiều bài học quý, nhất là kiến thức để dạy cho học sinh trong cuộc thi kể chuyện mùa hè này”.3. Ở thị trấn Trường Sa Lớn, sau khi đi thăm một số hộ dân sinh sống trên đảo, một số đơn vị quân đội, trạm hải đăng, tôi ngồi trò chuyện khá lâu với Trung tá Phạm Ngọc Sơn, quê ở Quảng Bình, phụ trách kỹ thuật của đảo Trường Sa Lớn. Sơn đã có gần 30 năm mặc áo lính.

Như anh nói, cả đời binh nghiệp của anh gắn bó với biển đảo và đã có mặt ở các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa do ta quản lý. Khi tôi kể tên một số chỉ huy đảo mà tôi biết, Sơn đều biết họ một cách khá tường tận. Sơn nói với tôi, anh tự hào về đồng đội anh ở Trường Sa. Có thể so với nơi này, nơi kia đồng đội của anh thiệt cái này, thiếu cái kia. Nhưng họ không vì cái lợi nhỏ của cá nhân mà quên trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Họ vượt qua cái lợi của cá nhân, vượt qua nắng nóng, bão tố, vượt qua gian khổ, hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.Ngồi tâm sự với Sơn cho đến lúc nắng Trường Sa đã ngả bóng cuối chiều.

Chiến sĩ chăm sóc rau trên đảo

Nhìn hai cô gái, diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đèo nhau bằng xe đạp, cười đùa ríu rít trên con đường nhỏ của thị trấn Trường Sa Lớn, tôi hỏi Sơn mà cũng như tự nói với mình: “Bao giờ có cảnh thiếu nữ Trường Sa như thế?”. Sơn nói: “Chắc là còn nhiều năm nữa. Nhưng tôi tin Trường Sa sẽ có cảnh ấy. Bởi Trường Sa là đất của Việt Nam, là biển của Việt Nam. Trường Sa như bao miền quê yêu thương của Việt Nam.

Con người, cây cối, cảnh vật sẽ sinh sôi, nảy nở, đời này nối tiếp đời kia bảo vệ và xây dựng Trường Sa mãi mãi trường tồn với đất nước. Một ngày kia sẽ có đám cưới được tổ chức ở Trường Sa”. Không phải tôi, mà chắc ai cũng mong, cũng tin lời của Sơn sẽ thành sự thật.

Lê Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh