THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:39

Tàu ngầm Trường Sa: Niềm đam mê và khát vọng vươn xa

Tự làm cho rẻ và thỏa đam mê

Giám đốc Nguyễn Quốc Hòa là người đàn ông điềm tĩnh và giản dị. Trên bàn làm việc của ông, mô hình tàu ngầm Kilo vàng óng ánh nuột nà được đặt ở vị trí trang trọng trong chiếc lồng kính nhỏ. Với một người đam mê sáng chế tàu ngầm như ông, hẳn đây là con tàu mà ông mơ ước có được của riêng mình, do chính bàn tay mình làm ra.Từ phòng làm việc, ông dẫn mọi người ra thăm con tàu đang được mấy công nhân cắm cúi sơn lại bằng nước sơn đen bóng trong phân xưởng liền kề đó.

Kiểm tra tổng thể trước khi cho tàu ngầm chạy thử

 Ông Hòa cũng không ngần ngại mời khách trèo lên ngó vào “tham quan” bên trong con tàu. Thật chán, hôm đó tôi lại diện váy nên không dám leo trèo. Đành đứng dưới làm phó nháy cho mọi người và đi vòng quanh, khám phá... vỏ tàu ngầm vậy.Với giọng nói nhẹ nhàng, điềm tĩnh, không giấu vẻ tự hào, giám đốc Nguyễn Quốc Hòa cho biết: Tàu ngầm Trường Sa dài 9 mét, cao 3 mét, được trang bị 2 động cơ diezen 90 mã lực, theo Thiết kế thì vận tốc đạt 40 km/giờ, bán kính lặn 800km, có thể lặn được trong 15 giờ ở độ sâu tối đa 50mét nhờ công nghệ AIP (công nghệ khí tuần hoàn độc lập), do chính ông nghiên cứu sản xuất.“Tại sao lại đặt tên tàu là Trường Sa?” - Ông Hòa trả lời: “Đó là vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà mọi người dân ngày đêm hướng đến.

Bản thân tôi có mơ ước một ngày nào đó được tự tay lái con tàu ngầm do mình chế tạo ra tận Trường Sa. Con tàu của tôi sẽ phục vụ được đời sống nhân dân, phục vụ quốc phòng. Nhiều người can ngăn tôi đừng đặt tên tàu là Trường Sa vì cũng e ngại nếu không thành công, nếu xảy ra sự cố thì...  mang tiếng Trường Sa. Nhưng tôi quyết tâm phải đi đến thành công. Trước đó, khi biết tin ta mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga, trong đầu tôi nảy ra một suy nghĩ, một ấp ủ phải làm một chiếc tàu ngầm “made in Việt Nam”, dù chỉ là mini nhưng đủ để thỏa mãn sự tò mò và đam mê sáng tạo của tôi, một kỹ sư cơ khí. Nhưng càng nghiên cứu, tôi càng cảm thấy tính hợp lý và khả năng ứng dụng cao của con tàu. Vì thế tôi đã nghĩ đến những mục đích xa hơn ngoài sự đam mê của riêng mình”.

“Sợ mất thì không bao giờ dám làm”Ông kể tiếp: “Khi biết tôi quyết định lao vào chế tạo tàu ngầm, cả gia đình, con cái, bạn bè đều can ngăn, thậm chí phản đối quyết liệt. Mọi người đều nghĩ tàu ngầm là cái gì đó rất khó, xa lạ, tóm lại là không thể làm được, đặc biệt là với trình độ cơ khí địa phương như chúng tôi thì lại càng không thể. Thậm chí có người còn bảo tôi hoang tưởng. Tôi biết đây là cái tâm lý “sợ”: Sợ không làm được, sợ mất của, sợ mất uy tín, không dám nhìn nhận bản thân, không dám tin vào khả năng của mình, lúc nào cũng sợ. Không phải là người ta không làm được, mọi việc đều có thể giải quyết được nếu có sự đam mê, lòng quyết tâm, sự tìm tòi, suy nghĩ, cố gắng và có lòng tin...”.

Tàu ngầm Trường Sa ngày chạy thử trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân

Tàu Trường Sa đã được thử nghiệm trong bể do ông Hòa tự xây, bể được bơm đầy nước với dung tích 200 mét khối, có 4 cọc sắt giữ con tàu không tiến lên hay lùi xuống và nhất là không lao ra ngoài. Thử nghiệm lúc đầu gặp trục trặc khi lặn xuống do sợi xích dùng để cố định quấn chặt phần đầu tàu ngầm, đội kỹ sư phải mất thời gian để cắt sợi xích. Sau đó, con tàu đã nổi lên lặn xuống nhịp nhàng. Bánh chân vịt hướng sang trái, sang phải theo ý muốn của người điều khiển. Sau khi thử nghiệm thành công trong bể, tàu đã được ông Hòa đưa ra thử nghiệm trong một hồ nước lớn và tàu đã bơi ngang dọc, vòng quanh hồ trong 2 tiếng đồng hồ với sự chứng kiến của hàng trăm người dân.

“Tuy nhiên tàu không lặn xuống được vì nước hồ không đủ sâu. Tôi biết những người xem thất vọng vì họ muốn nhìn thấy tàu lặn xuống ở bên này và nổi lên ở phía bên kia hồ” - Giám đốc Hòa kể về chuyện thử nghiệm tàu.Sau nhiều khó khăn, tàu ngầm Trường Sa đã được phép chạy thử ngoài biển. Chiều ngày 30/5, tại vùng biển cảng Diêm Điền, tỉnh Thái Bình, tàu ngầm Trường Sa 01 đã chính thức được thử nghiệm dưới sự giám sát của lực lượng biên phòng. Tuy tàu gặp một số trục trặc như hệ thống chân vịt, máy móc bị hỏng hóc, tàu mất lái vì sóng lớn, mặt nước biển không ổn định như trong hồ, trong bể nước mà trước đó nó đã từng được... bơi, nhưng ông Hòa vẫn cho rằng, cuộc thử nghiệm này đã thành công đến 80%. Nhờ đó, ông sẽ sửa chữa và hoàn thiện thêm cho con tàu để nó thực sự có ngày được ra khơi...

“Thành công thì vẻ vang cho dân tộc, thất bại thì chỉ mất... tiền túi”

Kỹ sư cơ khí, Giám đốc Nguyễn Quốc Hòa không phải là người Việt Nam đầu tiên chế tạo tàu ngầm. Trước đó, ông Phan Bội Trân, hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu, là Việt kiều Pháp trở về Việt Nam và sống tại TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu chế tạo tàu ngầm. Năm 2010, ông Trân chế tạo thành công chiếc tàu ngầm mini một người lái mang tên Yết Kiêu. Tàu Yết Kiêu có chiều dài 3,2m, chiều cao 1m và ngang 1m, nặng hơn một tấn nhưng có đầy đủ tính năng của một tàu ngầm như lặn, nổi, di chuyển. Tàu có thể lặn sâu tối đa 6m. Tàu Yết Kiêu được sử dụng động cơ điện, nguồn cung cấp là ắc quy, hoạt động tối thiểu trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Tàu đạt tốc độ tối đa trên 15 hải lý/giờ. Vỏ tàu được làm bằng composit.

Tàu đã được thử nghiệm thành công với sự hỗ trợ, giám sát của lực lượng hải quân.Ông Trân và ông Hòa đã nhiều lần gọi điện thoại trao đổi với nhau về việc chế tạo tàu ngầm. Nói về việc doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa làm tàu ngầm Trường Sa, ông Phan Bội Trân cho biết: “Thành công hay không thì phải chờ thời gian và kết quả những thử nghiệm của anh ấy trả lời, nhưng anh Hòa đã có mục đích rõ ràng và cao đẹp.

Lực lượng quân đội cũng đến kiểm tra trong ngày tàu chạy thử

Chúng ta cũng đừng quá nghiêm khắc hay yêu cầu điều gì quá cao ở anh ấy, bởi nếu thành công, anh ấy đã làm được một điều vẻ vang cho cả dân tộc, còn nếu thất bại, cái duy nhất anh ấy mất chỉ là tiền túi của chính mình. Hãy để người kỹ sư ấy làm điều gì mình muốn. Dù cho có không thành công, nhưng điều quan trọng là anh ta dám nghĩ và dám làm”.Kỹ sư đóng tàu Nguyễn Thái Bình thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP HCM cũng hết lời ủng hộ: "Những người như ông Hòa là rất đáng quý, rất đáng trân trọng. Thay vì gây khó dễ, ta hãy cứ tạo điều kiện cho ông ấy đi.

Việt Nam cần nhiều hơn những người dám nghĩ dám làm như thế".Với tàu ngầm Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa đã đầu tư hàng tỉ đồng, và ông cho biết, nếu cần, ông sẵn sàng bán cả công ty của mình để tiếp tục đầu tư chế tạo tàu ngầm. Đam mê tàu ngầm của ông không chỉ để thỏa mãn sở thích cá nhân. “Nếu tàu của tôi có thể bơi ra Trường Sa và bơi về thì sao? Nếu những người ngư dân có thể sử dụng tàu này để đánh bắt cá ngoài khơi thì sao? Nếu những nhà khoa học có thể dùng tàu này để nghiên cứu đáy biển, thềm lục địa thì sao? Tàu ngầm của tôi có thể phục vụ được đời sống nhân dân, phục vụ quốc phòng, đó là tâm nguyện lớn nhất của tôi.” 

Như Mai

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh