CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:32

Bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài

 

Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của lao động nữ khi đi làm việc ở nước ngoài, ngày 3/4, tại Hà Nội, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo “Đối thoại chính sách về bảo vệ quyền lợi của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài”. Đến dự có Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN Phạm Viết Hương  Phó vụ trưởng Vụ HTQT Đào Quang Vinh, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Shoko Ishikawa cùng các đơn vị liên quan.

Bảo vệ để phụ nữ tránh khỏi nguy cơ bị tổn thương, lạm dụng…

Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ thông tin về tình hình lao động nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các chính sách, pháp luật hiện hành đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài; trao đổi, đề xuất những khuyến nghị đối với các cơ quan có liên quan nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của nữ lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Viết Hương cho biết, trong những năm gần đây, phụ nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư. Đồng thời với việc đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn là ưu tiên của chính phủ Việt Nam. Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao mức sống gia đình, phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có lao động nữ luôn được coi trọng. “Chúng tôi nhận thấy phụ nữ là đối tượng rất cần được bảo vệ khi đưa họ đi làm việc ở nước ngoài do đặc điểm khác biệt về giới. Cũng chính vì những khác biệt này mà phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương hơn nam giới, dễ có nguy cơ bị lạm dụng hơn, đặc biệt là những người làm các công việc có tính đặc thù như người giúp việc trong các gia đình”- ông Hương nhấn mạnh.

 Năm 2009, Bộ LĐ-TB&XH đã giao Cục QLLĐNN phối hợp với UN Women thực hiện Dự án Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ông Phạm Viết Hương cho biết, trong 5 năm qua, Dự án đã tập trung thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, tăng cường năng lực cho đôi ngũ cán bộ làm công tác quản lý đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Dự án cũng rà soát các chính sách, pháp luật Việt Nam về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài dưới lăng kính giới với mục đích tìm ra những khoảng trống, qua đó đề xuất các chính sách, khuyến nghị cho chính phủ trong việc xây dựng và sửa đổi chính sách nhằm đảm bảo tốt hơn nữa bình đẳng giới và bảo vệ quyền cho người phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Dự án đã thực hiện nhiều nghiên cứu như: Tình hình lao động nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nghiên cứu về nhu cầu tái hòa nhập của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài trở về… “Tất cả những hoạt động của Dự án đều nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài”- ông Hương nhấn mạnh.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo

Đảm bảo quyền lợi, tạo động lực, khuyến khích lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài

Theo Cục QLLĐNN, các nước tiếp nhận số lượng lớn lao động nữ ở Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản… với những công việc chủ yếu như: giúp việc gia đình, y tá, điều dưỡng, nhân viên khách sạn, điện tử… Cũng như nam giới, phụ nữ đi làm có mong muốn tích lũy kinh tế, có chuyên môn, kinh nghiệm, tác phong làm việc, nâng cao tay nghề, ngoại ngữ… nhưng khi đi làm việc ở nước ngoài cũng như khi hết hạn hợp đồng trở về, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với nam giới. Bên cạnh đó, để giảm áp lực và khuyến khích lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, Cục QLLĐNN cũng qui định mức tiền môi giới đối với nữ giảm hơn so với nam giới khi đi làm việc ở nước ngoài.

Tại hội thảo, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho rằng, lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao mức sống gia đình, phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. “Chúng tôi hi vọng, qua Dự án này, việc bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có lao động nữ được thực hiện ngày càng tốt hơn”- Bà Shoko Ishikawa nhấn mạnh.

Cũng theo bà Shoko Ishikawa, làm thế nào để tái hòa nhập những phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài trở về cũng là một vấn đề, bởi nhiều phụ nữ rất khó khăn, ngoài vấn đề vai trò giới, trách nhiệm chăm sóc con cái, những định kiến đạo đức giữa phụ nữ và nam giới, khi quay về họ gặp nhiều vấn đề liên quan đến gia đình, những tin đồn cộng đồng… “Cần có những qui định pháp luật rõ ràng hơn để hỗ trợ phụ nữ khi đi làm viêc ở nước ngoài, cần tăng cường năng lực, giúp họ có được kiến thức về kinh doanh, đầu tư cũng như sử dụng số tiền họ đã tiết kiệm được… Đặc biệt xác định nhu cầu của phụ nữ cần được hỗ trợ để đảm bảo bình đẳng, phù hợp cho mọi người, thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, hướng tới tăng cường quyền năng bảo vệ phụ nữ” – bà Shoko Ishikawa kiến nghị.

 

Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài được đảm bảo quyền lợi ngày càng tốt hơn

Theo ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội thảo, hiện ở nước ta vẫn chưa có chính sách riêng đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài. Hầu hết các văn bản pháp luật và chính sách hiện hành đều quy định chung cho cả nam và nữ, nên lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương và dễ có nguy cơ bị lạm dụng hơn nam giới. Thực tế, khi làm việc ở nước ngoài, nhiều trường hợp lao động nữ Việt Nam bị chủ sử dụng lao động quỵt lương thời gian làm thêm, bị ngược đãi, đánh đập và đuổi khỏi nhà. Do hạn chế ngôn ngữ, nhiều lao động nữ không bảo vệ được mình, lao động bất hợp pháp…

Để việc bảo vệ quyền lợi lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài được triển khai tốt, các đại biểu cho rằng trong thời gian tới cần có chính sách cụ thể hơn đối với nữ giới để khi đi làm việc ở nước ngoài, họ thu được lợi ích tối đa. Việc sửa đổi Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng cần xem xét yếu tố nữ giới. Công tác tư vấn, đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài cần được chú trọng hơn đến đối tượng nữ giới

Thanh Huyền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh