CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:40

Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Ưu tiên cho người có chuyên môn cao

     Tại chương trình đối thoại, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, khẳng định: “Sau khi Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2012, Chính phủ tiếp tục thực hiện các tiêu chuẩn lao động của quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tôn trọng quyền tự do tìm kiếm, lựa chọn việc làm, học nghề của người lao động...”.

     Luật sư Miki Yasufumin, đại diện Văn phòng luật sư Anderson Mori & Tomotsune Nhật Bản, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản làm việc tại Việt Nam thường gặp một số khó khăn liên quan đến qui định tại Luật Công đoàn như: Doanh nghiệp đóng phí công đoàn không biết đóng ở đâu, nếu không đóng  thì doanh nghiệp có bị phạt hay không, hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài không biết, không đóng loại phí này? Còn theo TS. Hồ Xuân Dũng, Phó Tổng giám đốc Pháp chế -nhân sự Cty cổ phần quản lý Windsor: “Các doanh nghiệp nước ngoài xin phép cho lao động làm việc tại Việt Nam hiện rất khó khăn, chỉ riêng việc chờ Sở Tư pháp thẩm định hồ sơ xong cũng phải mất 50 ngày. Trong khi đó quy định về việc cấp xin giấy phép lao động cho người nước ngoài chỉ mất 15 ngày.

Công nhân một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Khu công nghệ cao (quận 9, TP. Hồ Chí Minh) đình công đòi tăng lương.

     Đồng quan điểm, luật sư Veera Maenpaa, Văn phòng Luật Pricewaterhouse Coopers Việt Nam, cho biết doanh nghiệp nước ngoài băn khoăn hai vấn đề là phí công đoàn và cấp giấy phép lao động. Theo luật sư Veera Maenpaa, các doanh nghiệp nước ngoài đều muốn đóng phí công đoàn, thống kê cho thấy cứ bốn doanh nghiệp có một doanh nghiệp muốn đóng phí công đoàn nhưng không biết đóng ở đâu, đóng ra sao? Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài đưa lao động vào Việt Nam làm việc nhưng mất rất nhiều thời gian vì thủ tục rườm rà. Các chính sách, phát luật về lao động của Việt Nam thay đổi quá nhanh khiến doanh nghiệp không theo kịp.

     Trước những thắc mắc của đại diện các doanh nghiệp, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: Doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đóng phí công đoàn ngay tại công đoàn công ty. Nếu doanh nghiệp không có công đoàn cơ sở, sẽ đóng tại LĐLĐ tỉnh, huyện... với mức đóng là 2%/năm, trong đó 65% sẽ giữ lại cho các hoạt động của công đoàn cơ sở, 35 % nộp về liên đoàn lao động.

     Theo Luật Công đoàn sửa đổi, tất cả các doanh nghiệp trong hay ngoài nước đều phải đóng loại phí này. Nếu không đóng, sắp tới sẽ truy thu và bị xử phạt tối đa 75 triệu đồng. Ngoài ra, tại TP.Hồ Chí Minh mới đây để thu loại phí này Cục Thuế thành phố cũng đã có văn bản thông báo tới doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không đóng sẽ không được khấu trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp.

     Đối với vấn đề cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng: Nước nào cũng ưu tiên cho lao động trong nước sau đó mới đến lao động nước ngoài. Tại Việt Nam chỉ những lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu cao của doanh nghiệp mới cần tới lao động nước ngoài. Những lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đa phần là các chuyên gia, chuyên viên, kĩ thuật cấp cao...  Theo Thứ trưởng: “Hiện việc cấp giấy phép lao động nước ngoài đã được rút ngắn rất nhiều thủ tục và thời gian để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI. So với các nước khác (Nhật Bản, Hàn Quốc)... Việt Nam là nước rất thông thoáng trong việc cấp giấy phép cho lao động nước ngoài”.

     Liên quan đến việc tăng cường tính thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam  cho rằng: Nóng nhất hiện nay là tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH khiến người lao động bị thiệt thòi quyền lợi. Cùng đó việc thương lượng tập thể đóng vai trò quan trọng để làm căn cứ ký thỏa ước lao động tập thể nhưng phổ biến tình trạng sao chép các điều khoản trong luật, chứ không có thêm các điều khoản có lợi cho người lao động. Trong khi đó tổ chức công đoàn chưa đứng ra tổ chức một cuộc đình công nào do còn nhiều vướng mắc.  Trao đổi vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân, cho biết: “Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng Nhà nước thực hiện tốt pháp luật nói chung và pháp luật lao động nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động ở doanh nghiệp mình, bởi họ là nhân tố tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp”.             

Lê Hoàng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh