CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:12

An Giang: Giống mè cao sản giúp dân xóa nghèo

Được biết hiện nay, toàn huyện Tri Tôn nông dân xuống giống hàng  chục ha mè đen, tập trung ở các xã như: Núi Tô, Cô Tô, Ô Lâm, An Tức, Lương Phi và Lê Trì. Đây là những xã thuộc vùng núi với thổ nhưỡng rất thích hợp cho cây mè đen sinh trưởng.

Mô hình trồng mè đen trên chân đất ruộng trồng lúa là mô hình được Trạm Khuyến nông huyện Tri Tôn hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch.

Theo một số nông dân có kinh nghiệm nhiều năm trong trồng mè đen cho biết, cây mè đen trồng trong vụ hè thu không chỉ tăng năng suất, lợi nhuận mà còn giúp cải tạo đất cho vụ sau.

Cây mè đen thuộc cây trồng ngắn ngày (sau 75 ngày kể từ khi gieo hạt là cho thu hoạch), dễ trồng, ít tốn thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu tư thấp, nhưng cho năng suất cao.

Nhiều nông dân nhờ chuyển đổi từ những loại cây hoa màu khác sang trồng mè đen mà tăng thu nhập vì thế không những thoát nghèo bền vững, mà cuộc sống ngày càng sung túc khấm khá hơn.

Mô hình trồng mè đen, giống cao sản đem lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang được nhân rộng ở Tri Tôn, An Giang

Trong số đó gia đình ông Chau Keng (dân tộc Khmer) ở  ấp Tô Lợi, xả Cô Tô là một ví dụ điển hình. Đã nhiều năm qua, cứ sau khi thu hoạch vụ lúa đông – xuân xong là gia đình ông làm đất xuống giống trồng mè đen trên đất ruộng của mình.

Sau khoảng 75 ngày trồng trên diện tích 2 công (2.000 m2) mè đen của ông đã cho thu hoạch, năng suất đạt hơn 220 kg, với giá bán hơn 40.000 đ/kg, trừ mọi chi phí thì lợi nhuận đạt hơn 8 tr đ/vụ.

Ông cho biết, trồng mè đen cho giá trị kinh tế cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa trên cùng một diện tích đất ruộng. Đồng thời trồng mè đen có thể cải tạo đất trồng lúa cho vụ sau, giúp phần đất thêm màu mỡ và cắt đứt được vòng đời sâu bệnh có hại còn lưu tồn trong đất ruộng. Hơn nữa cây mè đen chịu nhiệt tốt, phát triển tốt trên vùng đất núi và cho sản phẩm đẹp hơn so với mè đen trồng ở vùng đất khác. Nhờ đó giá bán ra thị trường cũng cao hơn và được nhiều thương lái ưa chuộng hơn. Ông Chau Keng dự kiến sẽ tiếp tục trồng mè đen, với quy mô diện tích lớn hơn để tăng lợi nhuận cao hơn.

Theo gương ông Chau Keng, những năm qua nhiều hộ gia đình ở xã Cô Tô đã tận dụng diện tích đất ruộng sau vụ đông – xuân để trồng mè đen. Qua thực tế có thể thấy cây mè đen đã và đang khẳng định vị thế trên nền đất lúa ở Tri Tôn. Đồng thời cho thấy diện tích trồng mè đen tại nhiều địa phương của huyện Tri Tôn có xu hướng phát triển và duy trì trong nhiều năm qua đã góp phần quan trọng vào công tác giảm hộ nghèo, tăng hộ khá ở địa phương.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh