THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:10

Làng Chăm An Giang phát triển du lịch cộng đồng

Theo lãnh đạo của Trung tâm Xúc tiến Du lịch thuộc Sở Văn hóaThể thao và Du lịch tỉnh An Giang, du lịch văn hóa Chăm trong những năm gần đây thu hút nhiều du khách.

Đặc biệt, đối với du khách nước ngoài họ rất thích khám phá, tìm hiểu về đời sống xã hội, với  những phong tục, tập quán, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Chăm vùng Nam bộ.

Chính vì thế khách du lịch nước ngoài khi đến An Giang, thường có nhu cầu tham quan các làng Chăm. Có thể nói, chính nền văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng người Chăm ở An Giang, đã và đang có sức thu hút đặc biệt với du khách nước ngoài.

Hiện nay những điểm du lịch văn hóa tại các làng Chăm xã Đa Phước (An Phú) và Châu Phong (thị xã Tân Châu) ngày càng tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách quốc tế.

Một trong những điểm đến đầu tiên khiến du khách vô cùng thích thú, đó là chiêm ngưỡng những ngôi Thánh đường Hồi giáo Islam uy nghi, lộng lẫy với những họa tiết hoa văn và kiến trúc độc đáo kiểu Ấn Độ, Ba Tư. Trong đó, Thánh đường Mubarak tọa lạc tại ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu là một trong những điểm nhấn tham quan lý tưởng đối với du khách khi đến với làng Chăm nơi đây.

Đến với các làng Chăm, du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà sàn truyền thống, mang đậm nét đặc trưng của người Chăm Nam bộ.

Đó là những ngôi nhà sàn tuy không lớn, nhưng xinh đẹp được dựng từ các loại gỗ cố độ bền cao, chịu được ngập lụt mỗi khi mùa nước nổi tràn về. Trong một năm làng Chăm có khá nhiều lễ hội truyền thống mang tính tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm An Giang như: Roya, Ramadan…

Ngoài ra, hiện nay các làng Chăm còn tổ chức nhiều lễ hội khác, như Ngày Hội Văn hóa- Thể thao – Du lịch (hai năm một lần) phục vụ cộng đồng và du khách vui choi giải trí.

Trong các lễ hội thường diễn ra những trò chơi dân gian, liên hoan văn nghệ (ca, múa, nhạc) mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa Chăm Nam bộ.

Ngoài ra còn có những tiết mục trình diễn trang phục truyền thống nam, nữ và phục dựng lễ cưới truyền thống nhằm giới thiệu, quảng bá những nét đẹp đặc trưng của đồng bào Chăm nơi đây.

Khám phá văn hóa ẩm thực Chăm cũng là một điều thú vị, với những món ngon đặc sản đặc sắc như cơm nị, cà púa, tung lò mò, cà ri cá, cà ri dê và nhiều món ăn khác được sáng tạo trên cơ sở kết hợp hài hòa những nguyên liệu sẵn có của vùng sông nước Nam bộ.

Du khách đến với các làng Chăm sẽ cảm thấy hấp dẫn, quyến rũ hơn khi bắt gặp hình ảnh các cô gái Chăm dịu dàng ngồi bên những khung cửi dệt lụa, thổ cẩm hay cần mẫn kết những hạt cườm lên những bộ trang phục truyền thống. Du khách nước ngoài đến làng Chăm An Giang ngày một đông hơn và rất ưa thích các mặt hàng được làm từ thổ cẩm truyền thống

Đến với làng dệt thổ cẩm Chăm, du khách sẽ như lạc vào thế giới sắc màu của những tấm thổ cẩm được dệt công phu, bởi những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những thiếu nữ Chăm xinh xắn.

Thiếu nữ Chăm tới tuổi lấy chồng ai cũng biết quay tơ, dệt vải và tự tay làm ra những tắm khăn, cái áo để được ghi nhận như một thước đo về sự đảm đang, khéo léo của các cô gái vậy.

Chính nhờ có sự khéo léo về tay nghề mà ngày nay những người phụ nữ Chăm, đã làm nên các sản phẩm thổ cẩm thật độc đáo, tinh xảo phong phú, đa dạng chủng loại, mẫu mã được du khách nước ngoài rất ưa chuộng.

Cũng chính nhờ sự phát triển về du lịch mà các sản phẩm làm từ thổ cẩm dệt theo lối thủ công truyền thống như: Trang phục nam, nữ, khăn choàng, xà rông, túi xách, ví, mũ…ngày càng bán chạy hơn. Nhiều hộ gia đình Chăm ngày càng có thu nhập cao hơn, từ việc bán các sản phẩm thổ cẩm và trang phục Chăm kết cườm cho du khách.

Theo ông Mohamad ở làng Chăm ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu cho biết, nhờ có du lịch mà nghề dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm ngày càng phát triển, sản phẩm làm ra bán được nhiều hơn.

Do các sản phẩm thổ cẩm được sản xuất hoàn toàn bằng thủ công dệt tay, nên du khách nước ngoài rất thích mua. Đây thực sự là một tín hiệu tốt đẹp, cho thấy mô hình du lịch văn hóa Chăm ở An Giang rất tiềm năng.

 Đặc biệt, khi TP. Châu Đốc sẽ trở thành trung tâm du lịch của tỉnh An Giang vào năm 2020, thì các làng Chăm  sẽ có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từ khai thác các dịch vụ và sản phẩm du lịch ở địa phương.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh