THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:41

An Giang: Hỗ trợ nuôi bò giúp đồng bào Khmer xóa nghèo

 

Từ lâu đồng bào Khmer ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn đã biết kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, do không có điều kiện đầu tư phát triển đàn gia súc, chủ yếu là trâu, bò nên các hộ dân chỉ nuôi từ 1 – 2 con bò hoặc trâu để sử dụng làm sức kéo.

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ vốn đầu tư từ những dự án, chính sách của Nhà nước, được tuyên truyền sâu rộng về mô hình chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa, rất nhiều hộ đồng bào Khmer đã có ý thức phát triển chăn nuôi bò để tạo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Mô hình chăn nuôi bò, nhất là nuôi bò vỗ béo thu hút rất nhiều hộ nông dân đồng bào Khmer tham gia. Những hộ tham gia mô hình được nhiều chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế của Chính phủ ưu tiên hỗ trợ về mọi mặt, từ con giống, thức ăn, kinh phí xây chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thuốc thú y…

Đồng thời với sự quan tâm vào cuộc rốt ráo, sâu sát của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, định hướng cho nông dân phát triển chăn nuôi, nên mô hình đã đạt được hiệu quả kinh tế cao, tăng trưởng ổn định.

Nhờ vậy, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, không ít hộ đang đầu tư mở rộng phát triển nhân thêm số lượng đàn bò, vươn lên làm giàu. Gia đình ông bà Neang Bok, Chau Sươne ở ấp Sà Lôn, xã Lương Phi (Tri Tôn) là một ví dụ điển hình về sự đổi đời từ mô hình chăn nuôi bò nói chung, nuôi bò vỗ béo nói riêng.

 

Nhờ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để tham gia mô hình nuôi bò mà nhiều hộ đồng bào Khmer ở Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang) thoát nghèo bền vững


Năm 2010, gia đình ông bà được vay vốn 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tri Tôn để nuôi bò trong thời hạn 3 năm không tính lãi và được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng không hoàn lại để xây chuồng trại.

Ông Chau Sươne cho biết, từ nguồn vốn này, thoạt đầu gia đình ông đầu tư mua hai con bò nhỏ về nuôi vỗ béo khoảng 3 – 4 tháng cho xuất chuồng, rồi tiếp tục đầu tư nhân dần đàn bò lên, đến nay gia đình ông luôn có khoảng gần chục con bò nuôi vỗ béo, với tổng vốn giá trị khoảng trên 100 triệu đồng. Gia đình ông hiện nay, không những thoát nghèo bền vững, mà đang cố gắng vươn lên để trở thành hộ khấm khá hơn.

Từ thực tế kể trên, những năm qua Đảng bộ cùng các cấp chính quyền địa phương đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm xây dựng nền móng ngày càng vững chắc cho phát triển chăn nuôi bò. Nhờ đó vấn đề “đầu vào” là con giống được giải quyết kinh phí rất kịp thời và đúng đối tượng. Cụ thể như ở xã Lương Phi (Tri Tôn), đến nay bằng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội toàn xã đã có trên 100 hộ được vay theo Đề án 25 của UBND tỉnh để đầu tư phát triển chăn nuôi bò.

Trong số đó có  trên 80% số hộ vay vốn phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa đạt hiệu quả cao. Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Lương Phi cho biết, trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên rõ rệt. Mô hình trồng lúa + với chăn nuôi bò, đặc biệt là nuôi bò vỗ béo phát triển mạnh.

Địa phương luôn quan tâm hỗ trợ về mọi mặt từ kinh phí đầu tư, tới hướng dẫn bà con nông dân về cách chăm sóc và vỗ béo thế nào cho mau lớn, để rút ngắn thời gian nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao. Một số người dân cho biết, nuôi vỗ béo bò, chỉ nên nuôi trong thời gian từ 3- 4 tháng là xuất chuồng bán, để quay vòng nuôi lứa tiếp theo. Mỗi cặp bò nuôi vỗ béo từ 3 – 4 tháng, bình quân trừ mọi chi phí, có lợi nhuận từ 5 triệu đồng trở lên, một năm mỗi gia đình có thể nuôi được 3 lứa.

Do đó, dây thực sự là một mô hình xóa đói, giảm nghèo rất hiệu quả cần được nhân rộng ở các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Có thể nói từ khi có Đề án 25 của UBND tỉnh, ngành chăn nuôi, đặc biệt là nuôi bò theo mô hình vỗ béo của hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã thực sự đạt được những kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang.                                                                                                                                       

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh