CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:10

83% lao động nông thôn có việc làm sau học nghề

83% lao động nông thôn có việc làm sau học nghề - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Nhàn phát biểu tại buổi làm việc với huyện Mỹ Đức.

Tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Nghìn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Mỹ Đức báo cáo, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn đã được quan tâm, chú trọng. Việc tuyên truyền, tư vấn học nghề đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, giúp người LĐNT hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tích cực tham gia học nghề, có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Kết quả, năm 2019, huyện Mỹ Đức đã tổ chức 48 lớp dạy nghề cho 1.680 lao động, trong đó: 1.015 lao động được học nghề nông nghiệp và 655 học viên học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 83%. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đang triển khai đúng hướng, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn vẫn còn những hạn chế. Công tác dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Số LĐNT sau học nghề thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã còn ít. Một số bộ phận sau học nghề chưa áp dụng được kiến thức đã học vào thực tế sản xuất kinh doanh.

Ông Đinh Xuân Đàm, Phó Chủ tịch xã Tuy Lai - một trong các xã đang triển khai công tác dạy nghề cho LĐNT cho biết, thời gian qua, người dân của xã được học nghề mây giang đan. Bên cạnh 573ha cấy lúa và 11ha trồng cây dược liệu, việc phát triển nghề này mang lại hiệu quả cho các hộ, do đó rất cần thiết mở thêm các lớp cho người dân có việc làm chính đáng, làm giàu trên quê hương, không để lao động dư thừa.

Ông Trần Văn Duy, Phó Chủ tịch xã Hồng Sơn cho rằng, trước khi tiến hành đào tạo nghề cho LĐNT cần chủ động rà soát nhóm đối tượng cần đào tạo theo nhu cầu thực tế của địa phương. Năm 2019, xã Hồng Sơn đã tổ chức 8 lớp dạy nghề cho lao động địa phương, năm 2020 đã có 7 lớp khai giảng. Xã có đất nông nghiệp chất lượng tốt. Thời gian tới cần tiếp tục phát triển sản xuất lúa và chăn nuôi nên xã muốn có lớp hướng dẫn đào tạo kĩ thuật trồng lúa sạch, lúa chất lượng cao cho bà con để tận dụng thế mạnh; đặc biệt sau khi học viên học xong, cần có nơi bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, Mỹ Đức nằm trong vành đai xanh, tập trung phát triển nông nghiệp nên công tác đào tạo nghề LĐNT cần xem xét, bổ sung một số nghề phù hợp với địa phương như: Nuôi ong, dệt tơ sen, trồng và chế biến dược liệu… UBND huyện cũng đề nghị điều chỉnh thời gian đào tạo giữa nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho phù hợp với thực tế, hỗ trợ kinh phí thêm cho người học nghề. Thực tế hiện nay, khó khăn lớn nhất của người nông dân trên địa bàn sau học nghề là khâu tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, huyện Mỹ Đức kiến nghị thành phố nghiên cứu chính sách mới đối với người học nghề và các chính sách khác liên quan đảm bảo phù hợp với thực tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề và các cơ chế, chính sách xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Nhàn ghi nhận sự vào cuộc của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức cũng như sự phối hợp với các hội cấp xã. Dạy nghề theo Quyết định 1956 là giải pháp tốt để thúc đẩy sự phát triển, tăng thu nhập cho các gia đình cũng như bộ mặt nông thôn thay đổi. Hiện người lao động trên địa bàn huyện sau khi học xong chủ yếu tự tạo việc làm tại chỗ, chưa tham gia tuyển dụng vào doanh nghiệp. Ngoài ra, bao tiêu sản phẩm còn hạn chế, việc đào tạo nghề chưa gắn với xây dựng chuỗi sản phẩm tại địa phương, chưa gắn kết với doanh nghiệp để tạo việc làm cho người lao động sau học nghề... Để công tác này đạt hiệu quả cao, bà Nhàn đề nghị huyện Mỹ Đức đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và quan tâm hơn đến đối tượng sau học nghề được tham gia chương trình vay vốn tạo việc làm và thu nhập cao hơn.

VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh