CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:54

Thái Nguyên: Trên 80% lao động nông thôn học nghề xong có việc làm

Thái Nguyên,  trên 80% LĐNT học nghề xong có việc làm  - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi gà hiệu quả tại trang trại của anh Nguyễn Văn Linh (thôn Cẩm La, Đồng Cao, Phổ Yên, Thái Nguyên).

Làm giàu từ học nghề theo Đề án 1956

Là lao động đã được đào tạo nghề chăn nuôi thú y theo Đề án 1956, sau học nghề, anh Nguyễn Mạnh Linh (xã Đồng Cao, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã mạnh dạn đầu tư 1,5 tỷ đồng để mở trang trại chăn nuôi gà mái đẻ. Năm 2016, khi đăng ký tham gia lớp học sơ cấp về chăn nuôi gia súc gia cầm tại trường trung cấp dạy nghề Nam Thái Nguyên, anh Linh mang theo quyết tâm làm sao có thể vươn lên thoát nghèo đổi đời. Thành quả đã cho thấy sự lựa chọn của anh Linh là đúng đắn khi quy mô đàn gà không ngừng mở rộng, năng suất lao động không ngừng tăng. Đặc biệt giờ đây, mô hình trang trại gà khép kín đã đem lại cho anh Linh thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.

Sau 3 năm, anh đã xây dựng được trang trại nuôi gà rộng 3 ha, với quy mô 5.000 gà đẻ. Không chỉ sản xuất trứng cấp cho nhà máy ấp trứng gà, anh còn đầu tư dây chuyền mở ấp trứng. Hiện anh Linh đã mở rộng quy mô sang chăn nuôi lợn. "Do bố mẹ đều làm nông nghiệp nên bản thân sẽ gắn bó với nghề nhưng không biết phải làm thế nào. Khi được đi học nghề theo chương trình đào tạo cho LĐNT, tôi đã tìm được hướng phát triển và đã thành công nhờ hướng đi đã chọn. Quá trình đi học nghề, tôi không chỉ cập nhật được kiến thức nghề chăn nuôi thú y mà còn học được thêm nhiều kiến thức về khởi nghiệp kinh doanh. Kết thúc lớp học, tôi còn được nhà trường và các thầy cô kết nối với các đơn vị cung ứng thuốc thú y, con giống, thức ăn... để khởi nghiệp", anh Linh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tiến, giảng viên ngành chăn nuôi trường trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên cho biết, 100% học viên lớp chăn nuôi ra trường đều tìm công việc, hoặc làm công việc cũ nhưng năng suất lao động tăng hơn trước đó. "Ngoài học kiến thức, kỹ năng ngành chăn nuôi, trường cũng chú trọng đào tạo thêm các kỹ năng mềm cho lao động ngay trong quá trình học. Ví dụ như kỹ năng khởi sự kinh doanh, kỹ năng maketing sản phẩm, hoặc thực hiện kết nối giữa các học viên với các doanh nghiệp cơ sở chăn nuôi", ông Tiến thông tin.

Nhìn chung sau học nghề, các lao động đều ứng dụng được kiến thức, kinh nghiệm vào sản xuất, làm nghề. Không riêng gì các nghề nông nghiệp, nhiều lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho LĐNT của trường trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên cũng đang phát huy tác dụng, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động. Từ đó góp phần vào việc thực hiện chương trình giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn ở tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2020 đào tạo nghề cho 4000 LĐNT

Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên) cho biết, thực hiện Đề án 1965 về đào tạo nghề cho LĐNT, trong thời gian qua tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó, lĩnh vực phi nông nghiệp đào tạo cho 20.568 người, chiếm hơn 76%; lĩnh vực nông nghiệp đào tạo cho 6.247 người, chiếm 23,5%. Ông Dũng cho biết thêm, khi bắt đầu thực hiện Đề án 1956, tỉnh đặt ra kế hoạch đào tạo nghề cho 80.000 người trong 10 năm, mỗi năm đào tạo 8.000 người. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn, nên chỉ đào tạo được khoảng 4.000 người/năm.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên), để thực hiện đề án, tỉnh liên tục thực hiện khảo sát nhu cầu đăng ký học nghề. Năm 2020, tỉnh Thái Nguyên dự kiến nguồn kinh phí đào nghề cho LĐNT là 7,7 tỷ đồng; tuyển sinh và đào tạo nghề cho 4.000 LĐNT. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp là 2.800 người, đào tạo nghề nông nghiệp là 1.200 người.


PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh