Cà Mau: 80% lao động nông thôn phát huy hiệu quả sau học nghề
- Bài thuốc hay
- 23:04 - 19/08/2020
Theo đó, sau 10 năm thực hiện đề án 1956 (2010 - 2020), công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thống kê của Sở LĐ-TB&XH, sau 10 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ cho 370.831 lao động nông thôn học nghề; (Trong đó hỗ trợ đào tạo nghề theo quyết định 1956 là 110.779 người và số lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt 80%.)
Bên cạnh đó, một số nghề được nhân rộng và đạt hiệu quả cao trong quá trình thực hiện đề án 1956 như: Mô hình nuôi trồng thủy sản nước mặn, mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, các mô hình kỹ thuật trồng nấm, sản xuất rau màu, chăn nuôi thú y....
"Qua các mô hình dạy, đào tạo nghề đã giúp cho người dân nông thôn thay đổi về nhận thức, vị trí vai trò của công tác này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi kết thúc các khóa học, đa số học viên nắm bắt được kiến thức và áp dụng vào thực tiễn đời sống, việc sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập thêm cho gia đình, ổn định cuộc sống”, đại diện Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cho hay.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, Cà Mau đưa ra mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 140.000 người. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp là 13.425 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác là hơn 126.500 người.
Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cũng đề xuất Trung ương có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động; tham gia tích cực vào thị trường lao động để đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động; có cơ chế bắt buộc doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đào tạo nghề cho người lao động.