CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:21

Xuân ấm lòng với các gia đình liệt sĩ

 

67 năm mong mỏi đã thành sự thật

Đón chúng tôi trong căn nhà hai tầng của người con thứ 4, ông Nguyễn Minh Đức, con trai của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Gấm tuổi đã 90 nhưng vẫn còn nhớ như in những dấu ấn lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Đức kể: "Bố tôi từng tham gia Trung đoàn 48 năm, đến 1946, do sức khỏe yếu nên ông được đơn vị cử về địa phương hoạt động bí mật. Trung tuần tháng 10/1950, bị chỉ điểm, địch phát hiện rồi đào tung hầm nơi bố tôi ẩn náu để giết hại. Khi đó bố tôi đã dũng cảm cầm lựu đạn tự sát và tiêu diệt quân địch".

Cùng hy sinh với cụ Nguyễn Ngọc Gấm hôm đó còn có 13 người nữa và 13 người đều đã được công nhận là liệt sĩ, riêng cụ Gấm do mất hồ sơ, giấy tờ gốc nên không có căn cứ chứng minh. "Bản thân tôi cũng là bộ đội nên niềm mong mỏi, khắc khoải khi bố chưa được công nhận là liệt sĩ lúc nào cũng đau đáu trong tôi. Suốt từ khi bố tôi hy sinh, gia đình tôi đã gõ cửa nhiều nơi để xin xác minh, công nhận liệt sĩ cho bố nhưng không được” - ông Đức cho biết.

Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đảng, Nhà nước đã chính thức công nhận liệt sĩ cho cụ Nguyễn Ngọc Gấm. Xúc động nghẹn ngào, ông Đức chia sẻ: “Sau 67 năm chờ đợi, cuối cùng gia đình tôi đã có được tấm bằng Tổ quốc ghi công của bố tôi. Cùng với bằng Tổ quốc ghi công của anh trai tôi - liệt sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ, trên ban thờ gia đình đã có thêm bằng Tổ quốc ghi công mới, đây là niềm vinh dự lớn nhất với gia đình. Giờ đây tôi mãn nguyện lắm rồi, sống đến giờ cũng chỉ mong có thế. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã truy tặng, công nhận, vinh danh cha tôi”.

 

Ông Nguyễn Minh Đức, thôn 4 xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội đưa bằng Tổ quốc ghi công của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Gấm lên trình với tổ tiên.

 

Cùng chung niềm vui, niềm tự hào sau bao khắc khoải, chờ mong như gia đình ông Nguyễn Minh Đức, trong năm 2017, có 3 gia đình thân nhân liệt sĩ khác ở xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cũng được đón nhận bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định 2053/QĐ-TTg ngày 20/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Kể về sự hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ quê hương đất nước của chị mình, ông Cao Phan Thông ở xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, Bắc Ninh - em trai của liệt sĩ Cao Thị Tâm  cho biết: "Sớm giác ngộ cách mạng năm 18 tuổi chị tôi đã tham gia đội du kích xã với nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở cách mạng trong làng và các khu vực xung quanh. Ngày 26/6/1949 trong trận càn của địch tại đền Tân Chăn trong xã, chị cùng 3 người khác đã hy sinh (trong đó có một trường hợp đã được công nhận liệt sĩ từ lâu). Tuy nhiên, việc làm giấy tờ để chị được công nhận liệt sĩ vì lý do chiến tranh kéo dài liên miên và cuộc mưu sinh khó khăn, ly tán, nên bố, mẹ tôi không thể lo được, vì vậy trước khi nhắm mắt bố, mẹ tôi vẫn mang trong lòng nỗi trăn trở khi chị tôi vẫn chưa được công nhận liệt sĩ".

“Giờ đây, sau 68 năm chờ đợi, mong mỏi gia đình đã được đón nhận bằng Tổ quốc ghi công của chị. Đây là một tài sản tinh thần quý báu, vô giá của gia đình, dòng họ tôi. Giờ đây nơi suối vàng chắc bố mẹ tôi rất tự hào về sự hy sinh của chị cho quê hương đất nước”, ông Thông xúc động cho biết.

Còn anh Ngô Văn Sự, cháu của liệt sĩ Ngô Thị Thức (cùng hy sinh với liệt sĩ Cao Thị Tâm) cho biết, tất cả các liệt sĩ hy sinh trong trận càn năm 1949 của địch đã được các gia đình lập hồ sơ từ năm 1997 nhưng do một số vướng mắc nên đến năm 2017 mới được công nhận là liệt sĩ. “Bao năm chờ mong nhưng chúng tôi vẫn luôn tin rằng một ngày nào đó Tổ quốc sẽ ghi công sự hy sinh của bác tôi. Tết này trên bàn thờ dòng họ tôi đã có bằng Tổ quốc ghi công của bác. Đây là món quà tinh thần vô giá với gia đình, niềm tự hào vô cùng lớn để thế hệ con cháu trong gia đình noi gương học tập, lao động và cống hiến cho quê hương, đất nước”, anh Sự cho biết.

 

Anh Ngô Văn Sự - cháu liệt sĩ Ngô Thị Thức đón nhận bằng Tổ quốc ghi công

 

Trách nhiệm thế hệ trẻ với cha, anh

Để có được những niềm vui trong Tết này của các gia đình có liệt sĩ vừa mới được công nhận, là nỗi niềm day dứt khôn nguôi, nỗ lực không ngừng của những người làm công tác người có công. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung từng chia sẻ: “Trải qua các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ. Bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ lên đường không bao giờ nghĩ đến giấy tờ riêng cho mình và cũng không giữ được giấy tờ gốc...

Mặc dù các cơ quan chức năng trong nhiều năm qua đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn căn cứ, giấy tờ gốc bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn, nguyện vọng của người có công và thân nhân, đặc biệt đối với những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm, gia đình và người thân khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh. Đây là điều trăn trở và day dứt đối với thế hệ chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp”.

Từ nỗi niềm day dứt ấy và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và năm 2016 đã đột phá trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương. Kết quả đợt thí điểm tại 5 tỉnh trong vòng gần 6 tháng đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, năm 2017 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với mục tiêu hết năm 2017 căn bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công tại các tỉnh, thành phố và trong cơ quan quân đội, công an. Quy trình 7 bước gồm: Sở LĐ-TB&XH nghiên cứu hồ sơ, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố; Họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành cho ý kiến; Các cơ quan được phân công hoàn thiện hồ sơ và xác minh theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố và gửi lại hồ sơ cho Sở LĐ-TB&XH để tiếp tục nghiên cứu đề xuất cho Ban Chỉ đạo; Công khai và thu thập thông tin; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố họp nghe Sở LĐ-TB&XH báo cáo tình hình và kết quả thu thập ý kiến và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và cho ý kiến từng trường hợp; Tổ công tác T.Ư nghiên cứu từng hồ sơ đã hoàn thiện và đề xuất ý kiến từng trường hợp nào đủ điều kiện để giải quyết và cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết. Trường hợp nào không đủ điều kiện giải quyết với lý do tại sao; Đề nghị xác nhận chính thức.

 

Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Cao Thị Tâm được trao cho em trai Cao Phan Thông ở xã Quảng Phú, Lương Tài, Bắc Ninh.

 

Từ việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, tính đến ngày 26/12/2017 Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công làm cơ sở để giải quyết chính sách; toàn quốc đã xác nhận 2500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đặc biệt đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 1250 liệt sĩ.

Tại lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công đợt 3 ngày 26/12/2017, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kể về hình ảnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hơn 80 tuổi, nụ cười rạng rỡ mà nước mắt lưng tròng cùng con cháu ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công mà Đảng, Nhà nước vừa trao tặng cho người chồng của Mẹ dịp 27/7 đi viếng Bác. Người Mẹ ấy chỉ mong có ngày này để cả gia đình (gồm cả ông ấy - lời Mẹ) cùng được vào viếng Bác. “Hình ảnh đó đã trở thành động lực cho những người làm chính sách chúng tôi trên hành trình xử lý hồ sơ và xác minh thông tin cho người có công với cách mạng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh