Xử nghiêm mọi trường hợp làm giả hồ sơ người có công để trục lợi
- Người có công
- 20:14 - 23/02/2017
Kinh nghiệm từ việc thí điểm giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng
Ủy viên Trung ương Đảng Bộ trưởng Bộ LĐ – TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ và Công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ LĐ -TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ vào cuộc quyết liệt, giải quyết cơ bản hơn 5.000 hồ sơ người có công còn tồn đọng (bao gồm hồ sơ liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh). Việc xem xét, xác nhận hồ sơ người có công với cách mạng mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, đó không chỉ là việc thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn giải tỏa, mang lại danh dự cho cả một dòng họ, khi người thân của liệt sỹ đã chờ đợi quá lâu...
"Thực tế việc giải quyết cũng gặp rất nhiều khó khăn, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương đã phải tích cực khai thác tối đa thông tin từ các nguồn khác nhau. Bên cạnh đó, phải kiên quyết xử lý nghiêm minh và thích đáng mọi trường hợp làm giả hồ sơ người có công để trục lợi chính sách"- Bộ trưởng nhận định khó khăn đồng thời nêu cao quyết tâm của toàn Ngành.
Nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí phát biểu tại Hội nghị
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2016, Bộ LĐ -TB&XH đã chủ trương thí điểm triển khai xem xét, xác nhận người có công với cách mạng theo quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ, phát huy đúng mức trách nhiệm của các cấp, các ngành. Đã có 5 tỉnh, thành phố được chọn làm thí điểm gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An. Cuối năm 2016, sau một thời gian thí điểm, đã đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng, bao gồm 75 liệt sỹ thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thời kỳ chống Mỹ.
Tuy nhiên, bên cạnh việc cơ bản giải quyết đúng và đầy đủ chính sách cho đại bộ phận người có công, hiện tại các các địa phương cũng còn tồn đọng hồ sơ đề nghị xác nhận là người có công với cách mạng. Trong các hồ sơ chờ này, chủ yếu đề nghị xác nhận là liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, đã xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, tạo bức xúc đối với những người có công với cách mạng.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Huỳnh Văn Tí, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Tổ trưởng tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng của Trung ương cho biết, từ kinh nghiệm làm thí điểm cho thấy, để đạt được kết quả và đảm bảo tính chính xác trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng cần nêu cao tính công khai, dân chủ trong quá trình xác minh hồ sơ của đối tượng, quá trình xác minh hồ sơ nhất thiết phải dựa vào ý kiến của quần chúng nhân dân và những người là cán bộ tiền khởi nghĩa cũng như các bậc Lão thành cách mạng.
Ông Tí lấy ví dụ dẫn chứng như tỉnh Long An đã tiến hành thu thập thêm thông tin từ Ban Liên lạc tù Phú Quốc hoặc mời tất cả các Bí thư Tỉnh uỷ các thời kỳ cùng với các đồng chí lão thành cách mạng để lắng nghe ý kiến trước khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp xét, đề nghị. Có những trường hợp hồ sơ còn có những điểm mâu thuẫn hoặc chưa rõ, hoặc thiếu cơ sở vững chắc…"Yêu cầu đặt ra đối với việc giải quyết hồ sơ là phải giải quyết thấu tình, đạt lý nhưng phải trên cơ sở bám sát các quy định pháp luật hiện hành, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và từng cấp phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của hồ sơ do cấp mình xác minh".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi cùng các đại biểu
Theo nhận định của Tổ công tác, việc nắm bắt tình hình, theo dõi hồ sơ không chặt chẽ nên có nơi báo cáo số liệu hồ sơ tồn đọng không chính xác; hồ sơ hiện chưa giải quyết lẽ ra phải được xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định hiện hành nhưng lại xếp vào hồ sơ tồn đọng. Việc xác lập hồ sơ ở các địa phương nói chung vẫn còn có trường hợp chưa thật chặt chẽ, cơ sở chưa thật vững chắc, thiếu chuẩn xác, chất lượng hồ sơ chưa bảo đảm, vẫn còn biểu hiện tập trung nhiều vào thủ tục hành chính, chưa coi trọng đúng mức đến việc đánh giá các yếu tố thể hiện trong hồ sơ.
Thông qua đợt thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, một số kinh nghiệm đã được rút ra. Theo đó, với hồ sơ tồn đọng khá lâu, nhiều trường hợp tư liệu và nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn, có những hồ sơ khá phức tạp, nên cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét thận trọng, tránh tình trạng chạy theo tiến độ, thiết lập hồ sơ, xét duyệt không chặt chẽ. Quá trình đó, phải bám sát các khâu, các bước theo đúng kế hoạch do Cục Người có công ban hành.
Tạo đột phá trong giải quyết hồ sơ trên cơ sở công khai, minh bạch và dân chủ
Tại hội nghị, ông Lê Tấn Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An là địa phương được chọn làm thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng nêu ý kiến, một trong những khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là việc rà soát, truy tra các chứng cứ và cứ liệu lịch sử liên quan đến đối tượng. "Để hoàn thiện được 8 hồ sơ hoàn chỉnh gửi Bộ LĐ – TB&XH trình Chính phủ, Long An đã thành lập Hội đồng xác nhận hồ sơ ở 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) để hướng dẫn thiết lập và xác minh hồ sơ. Ngoài việc công khai hồ sơ trên các phương tiện thông tin truyền thông tại địa phương và niêm yết hồ sơ tại nơi cư trú của thân nhân đối tượng, còn áp dụng các nghiệp vụ khác như truy cứu trong hồ sơ tàng thư, lấy thông tin từ lịch sử đảng bộ xã, huyện.... Đặc biệt, các hồ sơ tồn đọng đều được lấy ý kiến từ các đồng chí là cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ qua hai thời kỳ kháng chiến và các đồng chí nguyên là Lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ..."- ông Dũng nêu kinh nghiệm
Cũng từ thực tế trên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Long An kiến nghị Bộ xem xét giải quyết đối với các trường hợp mới thiết lập hồ sơ công nhận liệt sỹ và thương binh trên cơ sở có hai người trở lên xác nhận để áp dụng triển khai trên toàn quốc. Đồng thời, thay đổi thủ tục người làm chứng bằng biên bản họp của Hội cựu chiến binh và Hội người cao tuổi đối với một số trường hợp hy sinh có ghi danh nhưng chưa được công nhận do không còn người làm chứng.
Ông Lê Minh Tấn- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh
Đại diện TP. Đà Nẵng – địa phương được chọn làm thí điểm cho rằng, để đảm bảo tiến độ thời gian hoàn thiện hồ sơ, trên cơ sở thành lập Hội đồng xác minh ở 3 cấp thì phải phân công mặc định đồng chí Phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã ở các cấp làm Chủ tịch Hội đồng xác nhận người có công ở các cấp mới đạt hiệu quả. Đồng thời, cần quy định thời gian niêm yết hồ sơ tại địa phương để đảm bảo thời gian, tiến độ giải quyết. "Tuy vậy, cần phải xác định việc lấy ý kiến của các bậc Lão thành cách mạng và người tham gia kháng chiến cùng thời kỳ là căn cứ quan trọng nhất"- đại diện TP. Đà Nẵng góp ý thêm.
Tham luận tại Hội nghị, ông Lê Minh Tấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, TP. Hồ Chí Minh là địa phương không còn hồ sơ tồn đọng, tuy nhiên sẵn sàng phối hợp với các địa phương trong cả nước để phối hợp xác minh hồ sơ còn tồn đọng của các địa phương trong cả nước nếu có yêu cầu. Về Kế hoạch kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, hiện thành phố đang tích cực triển khai, nhất là việc quan tâm chăm sóc cho 29.500 Thương bệnh binh trên toàn thành phố, trong đó đặc biệt quan tâm đến 514 thương, bệnh binh nặng có tỷ lệ thương tật trên 81% và 153 gia đình người có công có từ 2 liệt sỹ trở lên.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Ông Phạm Bá Ngữ -Trưởng Ban liên lạc Hội người bị địch bắt tù đày cho biết, hiện Hội đã có Chi Hội tại 57/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, do vậy Hội sẽ tích cực tham gia phối hợp với các cấp các ngành để xác minh hồ sơ tồn đọng với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì hiện nay vẫn còn khoảng 15 ngàn người bị địch bắt tù đày chưa được hưởng chế độ theo Nghị định 51. Ông Ngữ đề nghị ngành LĐ – TB&XH quan tâm giải quyết vì đa số đối tượng này đã lớn tuổi.
Đại tá Đặng Danh Hưng, Trưởng phòng Thương binh – Liệt sỹ, Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) cho biết: hiện Bộ Quốc phòng đang tích cực triển khai Kế hoạch kỷ niệm 70 ngày Thương binh – Liệt sỹ của ngành. Đối với việc giải quyết hồ sơ tồn đọng, Cục Chính sách Bộ Quốc phòng thống nhất cao với quan điểm của Bộ LĐ - TB&XH khoanh vùng đối tượng là thương binh và liệt sỹ, để làm điểm “đột phá” giải quyết chính sách trong năm nay. Tuy nhiên, đại tá Hưng cho rằng: Quá trình thực hiện cần tuân thủ theo đúng các Nghị định, Pháp lệnh ưu đãi Người có công, trên tinh thần linh hoạt, sáng tạo trong cách làm.... tránh sự so bì và không công bằng giữa các đối tượng, Cơ quan quân sự địa phương phải là thành phần nòng cốt trong các Ban chỉ đạo của địa phương để đảm bảo sự thống nhất ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện cần có kết luận cụ thể đối với từng hồ sơ sau xác minh để giải quyết một cách triệt để nhất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, với tinh thần xác định năm 2017 là năm “Đền ơn đáp nghĩa” toàn ngành LĐ - TB&XH phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động với quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra và nhiệm vụ Chính phủ giao. Liên quan đến công tác giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, Bộ trưởng nêu rõ: “Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là trách nhiệm của ngành, phải thực hiện việc giải quyết với tinh thần cao nhất trên cơ sở thay đổi nhận thức trong cách giải quyết hồ sơ. Đây là lương tâm, ý thức, trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với các thế hệ đi trước đã hy sinh vì đất nước”. Do vậy Bộ trưởng yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, các địa phương tập trung xử lý các hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh, trước mắt khoanh vùng vào các hồ sơ thuộc Bộ LĐ - TB&XH và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý.
"Trong quá trình thực hiện, phải đặc biệt coi trọng các bước xác minh ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn - đây là khâu hết sức quan trọng, phải thực hiện tốt khâu công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là các đồng chí lão thành cách mạng, những người đã từng tham gia kháng chiến..."-Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương phải kiên quyết và xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp lợi dụng chính sách để làm giả hồ sơ nhằm trục lợi, nếu phát hiện đề nghị Cơ quan công an vào cuộc để điều tra, khởi tố để đảm bảo công bằng cho những người đã hy sinh xương máu vì đất nước.
Liên quan đến Kế hoạch kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị toàn ngành phải đầy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua thiết thực nhằm tri ân người có công với cách mạng, hướng đến “cả xã hội tri ân người có công với cách mạng” với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ -TB&XH cũng đã trình Trung ương Đảng và Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về việc Tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc gia đình người có công với cách mạng và Kế hoạch tổ chức cấp Quốc gia Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đây là sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2017.
Theo kế hoạch dự kiến, Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức theo cấp Quốc gia do Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trực tiếp chủ trì. Bên cạnh đó là các sự kiện: tổ chức 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị…; biểu dương và tri ân 700 đại biểu là người có công toàn quốc; thắp nến tri ân và dâng hương tưởng niệm tại hơn 9.000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước…
Để đạt hiệu quả trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng, Bộ LĐ – TB&XH dự kiến tiến hành theo cách thức như sau: - Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều hồ sơ (trên 50 hồ sơ trở lên) thì chọn một số huyện, thị để chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra phạm vi toàn tỉnh. - Đối với các tỉnh, thành phố có số lượng hồ sơ ở mức trung bình (khoảng 10 đến 50 hồ sơ) thì Tổ công tác trực tiếp phối hợp với địa phương để triển khai ở tất cả các huyện, thị. - Đối với các tỉnh, thành phố có dưới 10 hồ sơ thì giao địa phương chủ động triển khai theo kế hoạch của Trung ương và báo cáo Tổ công tác, Cục Người có công thẩm định kết quả. Bộ LĐ – TB&XH đề nghị các Hội, các đoàn thể Trung ương chỉ đạo sinh hoạt, quán triệt sâu kỹ trong cán bộ, hội viên của mình về chủ trương, quan điểm, phương pháp và kế hoạch giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng; đề cao đúng mức ý thức và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia xem xét, xác nhận; đặc biệt là trong việc xác nhận làm chứng; tuyệt đối không được vì tình cảm cá nhân, vì lợi ích riêng tư mà có việc làm sai trái. Cục Người có công là cơ quan thường trực của Tổ công tác của Trung ương, trực tiếp theo dõi, kiểm tra mọi mặt để tham mưu cho Tổ công tác xem xét, xác nhận người có công. |