THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:17

Khai mạc Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ

 

Tới dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chuyên gia cao cấp của Tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng của Trung ương và đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam... cùng đại diện các Sở LĐ-TB&XH từ Đà Nẵng trở vào.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị

  Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ vào cuộc quyết liệt giải quyết cơ bản hơn 5.000 hồ sơ người có công còn tồn đọng (bao gồm hồ sơ liệt sỹ, người hưởng chính sách như thương binh) và xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ. Việc xem xét, xác nhận hồ sơ người có công với cách mạng mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, đó không chỉ là việc thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn giải tỏa, mang lại danh dự cho cả một dòng họ, khi người thân của liệt sỹ đã chờ đợi quá lâu... Thực tế việc giải quyết cũng gặp rất nhiều khó khăn, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương đã phải tích cực khai thác tối đa thông tin từ các nguồn khác nhau. Bên cạnh đó, phải kiên quyết xử lý nghiêm minh và thích đáng mọi trường hợp làm giả hồ sơ người có công để trục lợi chính sách.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2016, Bộ LĐ -TB&XH đã chủ trương thí điểm triển khai xem xét, xác nhận người có công với cách mạng theo quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ, phát huy đúng mức trách nhiệm của các cấp, các ngành. Đã có 5 tỉnh, thành phố được chọn làm thí điểm gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An. Cuối năm 2016, sau một thời gian thí điểm, đã đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng, bao gồm 75 liệt sỹ thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thời kỳ chống Mỹ. 

Đại biệu các cơ quan, tỉnh thành tham dự Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Người có công, hiện nay cả nước đã xác nhận được gần 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số, trong đó có hơn 1,4 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH còn thực hiện trợ cấp cho trên 91 ngàn thanh niên xung phong và khoảng 30 ngàn người tham gia kháng chiến được giải quyết hưởng trợ cấp một lần. Các đối tượng người có công được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước như: Bảo hiểm y tế, phương tiện trợ giúp, chỉnh hình; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu đãi trong giáo dục đào tạo; ưu tiên vay vốn sản xuất; hỗ trợ cải thiện nhà ở; hưởng chế độ mai táng phí và trợ cấp tiền tuất hàng tháng... các công trình ghi công liệt sỹ được điạ phương quản lý, chăm sóc, tu bổ hàng năm. Bên cạnh đó, công tác xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin theo đề án 150/QĐ-TTg đang tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh việc cơ bản giải quyết đùng và đầy đủ chính sách cho đại bộ phận người có công, hiện tại các các địa phương cũng còn tồn đọng hồ sơ đề nghị xác nhận là người có công với cách mạng. Trong các hồ sơ chờ này, chủ yếu đề nghị xác nhận là liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, đã xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, tạo bức xúc đối với những người có công với cách mạng.

PHẠM THẮNG - LÊ HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh