Xót cảnh cụ bà 84 tuổi, hàng ngày đẩy xe đi bán kẹo và tâm nguyện trước khi chết
- Dược liệu
- 16:38 - 07/04/2019
Một ngày cuối tháng 3/2019, chúng tôi tìm đến căn phòng trọ của bà Đinh Thị Thanh (SN 1935, quê gốc Thái Bình), nằm sâu trong một con hẻm trên địa bàn quận Thanh Xuân (TP Hà Nội).
Do bị mệt nên gần 1 tuần bà Thanh phải nghỉ ngơi ở phòng trọ không đẩy xe đi bán kẹo được.
Căn phòng càng trở nên chật hẹp hơn khi đồ đạc chiếm hết diện tích cả trên lẫn dưới.
Căn phòng trọ nơi bà Thanh ở rộng chưa đầy 10m2, khép kín, có gác nhưng không một đồ vật nào giá trị, chỉ có vài ba chiếc nồi, xoong chảo, chậu nước cũ kỹ, bụi bẩn bám dày được chất đống lộn xộn lên nhau. Thỉnh thoảng căn phòng này phảng phất ra mùi thiu từ chiếc nồi cháo mà bà Thanh đặt ở bếp gas mini nấu lên chưa kịp ăn.
Bà Thanh năm nay 84 tuổi, đáng lẽ ở cái tuổi gần đất xa trời bà cụ phải được sống vui vẻ, sung túc bên con cháu và có người chăm sóc phụng dưỡng chu đáo. Nhưng tất cả điều ấy chỉ là ước mơ chẳng bao giờ có được với bà Thanh, hàng ngày bà vẫn đều đều đẩy chiếc xe hàng nhỏ bên trong xếp mấy hộp kẹo ra khu vực Bách hóa Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để bán cho trẻ con từ sáng đến tối mới về.
Bà Thanh nhắm tịt mắt, buồn rầu rĩ khi kể về cuộc sống của mình.
Đôi bàn tay nhăn nheo đã yếu, nhưng mỗi ngày bà Thanh vẫn phải đẩy chiếc xe hàng nhỏ đi bán kẹo, hoặc đi nhặt rác để mưu sinh.
Tuy nhiên do một tuần nay bà Thanh bị ốm, chân mỏi nên không thể đi được, bà tạm thời nghỉ ngơi ở phòng.
Nói về hoàn cảnh của mình, bà Thanh rưng rưng nước mắt kể: "Ngày trước tôi cũng có nhà nhưng bán cho người ta rồi bị lừa. Gần 28 năm qua tôi đi ở trọ, phòng này tôi mới ở được 3 năm nhưng cô chủ nhà lấy 1,5 triệu đồng. Ở khu Phùng Khoang, Triều Khúc giá phòng rẻ hơn nhiều chỉ có từ 500 ngàn - 1 triệu đồng, người ta mách tôi đến đó mà ở nhưng phải đi bộ bán hàng xa lắm, chuyển đồ chả ai chuyển cho nên thôi".
Bà Thanh đứng dậy, tay nắm chặt lấy chiếc xe đẩy hàng nhỏ và nói: "Đây là tài sản lớn nhất đấy vì tôi sử dụng để kiếm cơm".
Đồ đạc đơn sơ trong căn phòng trọ chật hẹp.
Bà Thanh cho biết, ngày trước còn sức khỏe bà hay đẩy chiếc cân ra khu vực Bách hóa Thanh Xuân cân cho mọi người, hoặc đi bán kẹo, không thì nhặt rác để mưu sinh. "Cứ cái gì làm được, kiếm được tiền, ai thuê tôi cũng làm. Trước thì tôi đi cân, đi bán cả ngày nhưng giờ già rồi, đi mỏi chân nên chỉ bán được khoảng 11h đến 18h tối thì về. Mọi người còn đặt biệt danh cho tôi là bà Cân cơ mà", bà Thanh kể.
Một ngày mưu sinh bà Thanh chỉ được vài chục nghìn đồng. Với số tiền ít ỏi bà Thanh cố gắng chắt chiu dành dụm để lo tiền thuê nhà, tiền ăn uống mỗi ngày. "Người ta vừa mua, vừa cho tôi đấy. May mà trời phù hộ nên tôi chả bị ốm nhiều, mắt cũng không bị đau, chỉ có mấy hôm nay tự dưng thấy đầu ong ong, chóng mặt, chân mỏi nên tôi đành phải ở phòng", bà Thanh chia sẻ.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Thanh vẫn phải đi mưu sinh.
Đôi tất đã cũ nhưng bà Thanh vẫn sử dụng để giữ ấm cho chân.
Trong câu chuyện với PV, dường như bà Thanh chỉ tập trung nói đến công việc, bà còn khoe "địa bàn" Bách hóa Thanh Xuân là nơi bán hàng "lý tưởng" nhất của bà vì nơi ấy có nhiều khách quen.
Nhắc đến người thân, gia đình, khuôn mặt bà Thanh trầm buồn và thỉnh thoảng ngón tay lại đưa lên gạt đi giọt nước mắt đang chảy. "Chồng con chết hết rồi. Hai đứa cháu đều lớn rồi, theo mẹ chúng nó cả, tôi chả có ai", bà Thanh nghẹn lời.
Dù cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng bà Thanh cho biết bản thân bà không nhận bất kỳ tiền bạc hay đồ vật nào của người khác đến ủng hộ. Bà nói: "Đừng cho tôi tiền, cũng không phải cho quần áo, tôi không mặc được đâu, chả có chỗ để. Tôi không có khổ vẫn đi làm, tôi vẫn tự kiếm tiền và lo được cho mình".
Vài ba hộp kẹo được bà Thanh cất vào bên trong do mấy hôm nay bà ốm, mệt không thể đi bán được.
Cầm tấm thẻ hiến xác trên tay, bà Thanh rưng rưng nước mắt vì hạnh phúc.
Thẻ ghi nhận đăng ký hiến tạng tạng của bà Thanh.
Nói về niềm vui lúc xế chiều, bà cho biết bà đã đi đăng ký hiến xác cho y học. "Tôi đến bệnh viện mấy lần xin hiến mới được đấy. Ban đầu người ta nói nội tạng già rồi chả ai lấy được, sau đó tôi quyết định hiến được xác cho người ta nghiên cứu. Bác sĩ còn hỏi, cụ có sợ không? Tôi đáp có gì đâu mà sợ, được mọi người chấp nhận cho hiến xác là tôi vui lắm rồi", bà hồ hởi nói.
Chia sẻ thêm về cuộc sống của bà Thanh, một số hàng xóm cho PV biết, bà cụ là người tốt tính, thỉnh thoảng mọi người vẫn thường sang phòng bà để trò chuyện, tâm sự cho bà đỡ buồn.
Mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bà ở những năm tháng cuối đời.
Có điều thấy bà già cả, một số đối tượng xấu lợi dụng lúc bà sơ hở để lấy trộm tiền. "Bà ấy đi cân, đi bán kẹo, có người mua 10 nghìn thấy bà khổ thì người ta biếu thêm vài chục nghìn. Bà thường bị mấy kẻ xấu móc trộm tiền lắm, nhất là lúc bà ấy ở phòng không để ý. Thậm chí còn có người đến lừa cả tiền bà", một hàng xóm chia sẻ.
Có lẽ đối với bà Thanh, những ngày tháng cuối đời, bà vẫn muốn tự mình đi kiếm sống, tìm những niềm vui bình dị nhất. Dẫu cho cuộc sống của bà cô độc, không còn gia đình, con cái nhưng vẫn mong bà luôn vui vẻ, lạc quan để hoàn thành được tâm nguyện cuối đời của mình.
Xót cảnh cụ bà 84 tuổi vẫn phải ngày đêm mưu sinh, chẳng mong nhận được sự giúp đỡ từ người khác.