CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:50

Xót xa gia cảnh của cựu binh 94 tuổi không nơi nương tựa

 

  Chân của cụ Nuôi trong tình trạng bị băng kín do phần bắp chân đã bị hoại tử.

Chuỗi ngày bất hạnh

Sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc, lên 10 tuổi thì ba mẹ mất, ông phải sống nhờ vào sự cưu mang của anh em họ hàng, làng xóm. Chàng trai trẻ ấy khi Tổ quốc cần đã hăng hái xung phong làm nhiệm vụ. Năm 1945, ông cùng hàng trăm thanh niên trong xã tình nguyện vào đội Thanh niên cứu Quốc, đội du kích xã cùng bộ đội đuổi giặc, giữ làng. Đến năm 1951 ông lại tình nguyện đi dân công hỏa tuyến Việt Bắc làm nhiệm vụ tải gạo, vũ khí phục vụ chiến trường. Hết 3 tháng nghĩa vụ, ông về địa phương tham gia sản xuất sẵn sàng chờ nhận nhiệm vụ mới, năm 1954 ông lại tiếp tục hành trình tham gia dân công hỏa tuyến vào chiến trường Bình – Trị Thiên.

Bốn tháng ở chiến trường đầy máu lửa ông cùng đồng đội đã vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần, đã tải bao nhiêu bao gạo, bao nhiêu vũ khí, đạn dược…ra tuyền tuyến. Kẻ thù không đánh gục được ông thì thiên nhiên khắc nghiệt lại đánh gục ông. Giữa thời khắc quan trọng, cuộc chiến đang vào giai đoạn ác liệt cũng là lúc ông bị bệnh sốt rét ác tính, trước tình hình sức khỏe ngày càng yếu, đơn vị đã phải rút ông về địa phương để chữa trị.

Về địa phương, sau khi đã lành bệnh, ông lại hăng say chiến đấu bảo vệ quê nhà. Năm 1956 ông vào đội trực chiến ly Bảy ở Cầu Họ, Cẩm Nhương….. Hai năm sau, hạnh phúc mỉm cười với ông khi ông lấy lòng được cô thiếu nữ trong xã và một đám cưới giản dị, ấm cúng đã diễn ra. Những tưởng niềm hạnh phúc ấy sẽ trọn vẹn, nào ngờ tai họa lại ập xuống ngôi nhà vừa mới nhen nhóm. Sống với nhau được hơn 2 năm thì ông biết mình không thể có con do di chứng sốt rét ác tính không được chữa trị kịp thời, vợ của ông mong ngóng có đứa con nhưng ông không thể mang lại niềm hạnh phúc tưởng chừng nhỏ nhoi ấy, bà đành dứt áo ra đi.

Vợ ông đi tìm một bến đỗ mới cũng là lúc ông ngoài 40 tuổi. Tứ cố vô thân, không vợ con, nhà cửa, ông về sống nương tựa gia đình anh trai ruột. Phụ giúp anh trai nuôi vợ và 3 người con. Niềm vui được sống trong tiếng nói cười của trẻ thơ, sự đùm bọc của anh trai, chị dâu chưa được bao lâu thì anh trai cũng mất để lại cho ông chị dâu và 3 người con thơ. Ông thay anh trai gánh vác trọng trách là người cha, người em.

CCB Nuôi từng được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp


Niềm hạnh phúc, sự kỳ vọng ông đặt trọn vào người cháu là Nguyễn Đình Thái sẽ thay ông thực hiện lời với non sông, đất nước. Ngày cháu đi bộ đội ông mừng và cũng thấp thỏm lo âu vì chiến trường ác liệt không biết liệu cháu mình còn nguyên vẹn trở về hay không. Chiến tranh ác liệt lại một lần nữa cướp đi người cháu của ông khi Thái đang chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Gạt đi nỗi đau mất anh trai, rồi lại đến cháu, ông tiếp tục thay anh trai gánh vác trọng trách người cha phụ giúp chị dâu nuôi hai con là Nguyễn Thị Châu và Nguyễn Thị Vân. Ngày hòa bình lặp lại, chị dâu theo con vào Nam lập nghiệp, ông ở lại quê nhà một mình vò võ thờ phụng anh và đứa cháu trai.

Những hàng xóm tốt bụng của cụ Nuôi

Mang trọng bệnh khi gần đất xa trời

Chúng tôi đến thăm ông trong  một ngày cuối đông, chỉ một đoạn đường chưa đầy 10 m nhưng thực khó khăn để di chuyển vào bởi đường đầy bùn đất, trơn trượt. Lọt thỏm giữa cánh đồng quê, ngôi nhà xây  đã nứt nẻ, xuống cấp nghiêm trọng. Một không khí lạnh lẽo bao trùm, ở trong căn phòng nhỏ, ông nằm trên một chiếc giường cũ kĩ nhuốm màu thời gian. Thân hình ốm yếu, từ đầu gối đến chân đều bị băng bó cùng với đó là tiếng kêu rên “đau lắm”.

Khi chúng tôi chưa định hình được chuyện gì đang xảy ra thì chị Hồng (một người họ hàng xa của ông) phân trần: “Ông bị viêm tấy bắp cơ nhiễm trùng hoại tử, các lớp da bên ngoài dần dần bị hoại tử hết. Gia đình không có điều kiện đem ông đi chữa trị nên ngày nào cũng phải nấu một nồi nước chát để rửa vết thương, sau đó mua bông băng về băng lại”.

Xót xa thay, đến tuổi gần đất xa trời ông vẫn không có nổi một người thân bên cạnh, mọi sinh hoạt của ông đều phải dựa vào người họ hàng xa. Gạt đi giọt nước mắt, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Hơn 1 năm trở lại đây, ông ốm liệt gường, cũng gần mái kề hồi hơn chục năm nay, thấy ông ốm đau bệnh tật không có nổi một người thân, vợ chồng tui bàn với nhau thay họ chăm sóc ông. Gia đình tui cũng chẳng giàu có gì cho cam nhưng có rau ăn rau, có cháo ăn cháo cưu mang cụ lúc tuổi già. Nhà tui cũng neo người, khi cụ ốm liệt giường phần vì kinh tế eo ẹp nên không thể đưa cụ đi chữa trị, chỉ biết ở nhà hằng ngay thay băng, rửa vết thương cho cụ. Nhưng mấy tháng lại nay, phần da ở chân dần bị hoại tử, cũng thương lắm nhưng sức vợ chồng tui có hạn”.

Thấy chúng tôi đến, bà Nguyễn Thị Thuận (94 tuổi, hàng xóm của ông) cũng tất tả chạy sang “Hoàn cảnh cụ tội lắm, sinh ra và lớn cùng chúng tôi, cùng đi chiến đấu với chúng tôi nhưng cụ là người tội nhất, vợ con không có, giờ lại phải nằm một chỗ, biết cụ đau, cụ khổ nhưng không biết mầm răng, các cô, các chú cứu giúp cụ với”.

Cụ Nuôi từng được tặng thưởng Huy chương kháng chiến 


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Dũng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng cho biết: “Cụ Nuôi là một trong những người có hoàn cảnh éo le nhất xã, không vợ con, không một nơi nương tựa lúc tuổi già. Chính quyền địa phương cũng đã cố gắng động viên ông bằng các hoạt động như các dịp lễ, tết đều cử cán bộ xuống thăm hỏi, động viên tinh thần lẫn vật chất cho cụ”.

Chào ông cụ ra về mà lòng chúng tôi không yên. Tiếng kêu rên “đau lắm” của cụ cứ mãi ám ảnh chúng tôi. Không thể hình dung được sự đau đớn khi hàng ngày phải chứng kiến từng thớ thịt của mình bị hoại tử mà không có cách nào để chữa trị, chỉ có thể uống thuốc giảm đau cầm chừng.

P.NGA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh