THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:06

Xóa đói nghèo quan trọng là "trao cần câu, không cho con cá... ăn vài ngày là hết"

Chiều 23/7, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra về đề xuất chủ trương đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội thảo luận tại tổ nội dung này.

Không chuyển đổi được sinh kế thì vẫn đói ăn

Tham gia thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, xóa đói giảm nghèo quan trọng nhất là "giúp người nghèo cần câu chứ cho con cá thì người ta ăn một vài ngày là hết rồi".

Xóa đói nghèo quan trọng là "trao cần câu, chứ cho con cá, ăn vài ngày là hết" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Nếu không có chương trình mục tiêu quốc gia thì khó đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền

"Tôi thấy nên tập trung làm sao hướng dẫn cho người nghèo cách sản xuất, kinh doanh làm ăn", ông Mẫn nói thứ nữa, nâng cao dân trí, trình độ học vấn bởi theo ông "đây là mấu chốt của thoát nghèo".

Nhận định hiện nay, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, "tôi đi một xã của huyện Mường Tè, Lai Châu, hỏi tỷ lệ hộ nghèo là bao nhiêu thì cán bộ xã nói là 92,5%. Như vậy là nghèo toàn xã".

Vì vậy, theo ông Mẫn, lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất ủng hộ, đưa ra cả hai chương trình để Quốc hội xem xét, quyết định, sớm triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

"Thoát nghèo đã khó, thoát nghèo bền vững còn khó hơn", Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nói. Theo quan điểm cá nhân bà, để thoát nghèo bền vững, bên cạnh tuyên truyền để người nghèo thay đổi nhận thức quyết tâm vươn lên thì điều quan trọng là phải nâng cao trình độ, tay nghề.

Đưa ra giải pháp, bà Lan cho rằng, cần phải có chiến lược và chương trình về giáo dục vì không học thì không thể có tay nghề. "Nếu chỉ hỗ trợ thì hết tiền hết sức lực; hết sức lực thì hết tiền, như thế thì không bền vững được", Bí thư Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ đề nghị 6 đề án mà Chính phủ đưa ra trong chương trình giảm nghèo bền vững cần ưu tiên cho vấn đề sinh kế, giáo dục để nâng cao nhận thức, vì đây là vấn đề cốt lõi để giảm nghèo.

Xóa đói nghèo quan trọng là "trao cần câu, chứ cho con cá, ăn vài ngày là hết" - Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

"Không chuyển đổi được sinh kế vẫn đói ăn không làm được gì. Sinh kế cho người dân phải là số một. Có sinh kế rồi thì đào tạo bồi dưỡng con người để phù hợp với sinh kế ấy", ông Cừ phát biểu.

Ông Cừ cho rằng, với các tỉnh miền núi - nơi tỷ lệ nghèo chiếm đa số thì vấn đề sinh kế là trọng tâm chứ không chỉ vấn đề hạ tầng.

Cần có ban chỉ đạo thống nhất cho các chương trình MTQG

Đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) cho rằng, hiện nay triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương đang gặp những khó khăn trong quản lý và triển khai.

"Ví dụ mỗi Chương trình đều phải thành lập Ban chỉ đạo, ban quản lý, phân cơ quan thường trực, do vậy lại phát sinh chi phí quản lý; đặc biệt dễ dẫn đến cơ chế xin - cho. Chủ thể hưởng lợi từ các chương trình đều là người dân, nhưng tiêu chuẩn, tiêu chí và mức hỗ trợ không tương đồng dẫn đến dàn trải, nhỏ giọt, không hiệu quả và thiếu bền vững", đại biểu nói.

Do vậy, đại biểu Tráng A Dương đề nghị, thống nhất phương pháp giải ngân các nguồn vốn chương trình thuận lợi; Cùng với đó, tăng cường phần cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động triển khai chương trình.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cũng đề nghị, cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia nên có một ban chỉ đạo thống nhất, bảo đảm hiệu quả của các chương trình ở Trung ương và địa phương.

Để thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị, "lồng ghép nguồn lực" khi thực hiện các chương trình.

Ông Duy ví dụ, quan điểm của nông thôn mới là phải hướng tới là hỗ trợ theo hướng hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn Vietgap... Hộ nghèo muốn tham gia vào chuỗi liên kết này thì có thể sử dụng nguồn lực của chương trình giảm nghèo để hỗ trợ về cây giống, con giống để họ sản xuất ra hàng hóa đó.

Như vậy, một dự án, địa phương có thể sử dụng nguồn vốn của 2 - 3 chương trình, thậm chí hơn thế nữa.

"Chính phủ nên quy định cơ chế để được thực hiện lồng ghép và giao cho địa phương thẩm quyền chủ động", Bí thư Yên Bái nêu.

Đề xuất 75.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là 75.000 tỷ đồng.

Đến năm 2025 sẽ phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500 nghìn hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.

Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp…

"Chương trình được kết cấu lại với 6 dự án, 11 tiểu dự án", ông Đào Ngọc Dung nói. Cụ thể:

Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo

Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng

Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm và nhà ở

Dự án 5: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin

Dự án 6: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh