THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:27

Chủ tịch Quốc hội: Những đối tượng không có khả năng thoát nghèo, chuyển sang gói ASXH phù hợp

Chiều 23/7, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương

Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhất trí cao với nội dung Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. 

Chủ tịch Quốc hội: Những đối tượng không có khả năng thoát nghèo, chuyển sang gói ASXH phù hợp - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh

Khẳng định đây là chương trình quan trọng nhằm thực hiện chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tiếp tục không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, rút ngắn khoảng cách phát triển nông thôn với đô thị, miền núi với đồng bằng.

Khẳng định sự cần thiết ban hành chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng cho rằng, nếu không có chương trình mục tiêu quốc gia, không có chủ trương chính sách đủ mạnh thì khó có thể đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

"Để thực hiện được các mục tiêu dù giảm nghèo bền vững hay nông thôn mới thì việc lồng ghép các chương trình, mục tiêu, nguồn vốn thực hiện là hết sức quan trọng", ông Diên nói.

Chủ tịch Quốc hội: Những đối tượng không có khả năng thoát nghèo, chuyển sang gói ASXH phù hợp - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận Tổ

Tập trung những địa bàn trọng điểm

Đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, "các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực".

Ông Huệ cũng nói thêm, hiện nay, 2 chương trình mục tiêu quốc gia này có các nhóm đối tượng khác nhau, nhưng quá trình triển khai thực hiện phải gắn kết, lồng ghép các nhóm đối tượng này, nhất là những vùng khó khăn.

Đối với Chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS áp dụng theo địa bàn, trên cơ sở tích hợp gần 200 chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có.

"Do đó, không có sự trùng lặp giữa các chương trình, tuy nhiên thực tế có những địa bàn sẽ thực hiện cả 3 chương trình này", Chủ tịch Quốc hội khẳng định. 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác giảm nghèo giai đoạn tới, cần hỗ trợ phân chia theo địa bàn và đối tượng, trong đó tập trung những địa bàn trọng điểm và thống nhất rà soát những đối tượng bảo trợ xã hội không có khả năng thoát nghèo thì chuyển sang gói an sinh xã hội phù hợp.

"Đồng thời, cần bố trí sắp xếp lại dân cư, tạo sinh kế và quan trọng nhất là tăng thu nhập cho người dân", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Dịch Covid-19 khiến cho một số hộ cận nghèo tái nghèo

Chỉ ra từ thực tiễn khảo sát tại TP. HCM, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc thêm hiện trạng giảm nghèo hiện nay, vì dịch Covid-19 đã làm cho số người lao động mất việc, thiếu việc tăng cao, khiến cho một số hộ cận nghèo tái nghèo, trong khi những người nghèo thì đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. 

“Không chỉ mất việc làm, mà họ cũng đã sử dụng hết dự trữ. Về phía doanh nghiệp (DN), cũng sẽ có nhiều DN không còn khả năng bố trí công ăn việc làm cho người lao động như cũ nữa”, đại biểu Thuý bày tỏ lo lắng.

Đề xuất giải pháp, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy kiến nghị phân rõ thành nhiều nhóm đối tượng với mức độ nghèo và tình trạng lao động khác nhau (mất sức lao động, có sức lao động nhưng không làm việc, mất việc...), từ đó có giải pháp thích hợp với từng nhóm đối tượng. 

Đặc biệt, theo đại biểu, những giải pháp giảm nghèo cần mang tính bền vững. 

"Đào tạo lao động là một trong những giải pháp quan trọng theo hướng này, nhưng cần đào tạo những kỹ năng chuyên sâu mà người lao động có thể ứng dụng để tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, tránh tình trạng đào tạo lấy được, chi rất nhiều tiền nhưng kết quả không tương xứng", bà Thúy nói.

Các đại biểu cũng cơ bản tán thành về nội dung chủ yếu của Chương trình, cơ quan chủ trì, đối tượng thụ hưởng, mục tiêu, phạm vi, nguyên tắc tiêu chí phân bổ và các dự án thành phần, cơ chế nguyên tắc quản lý điều hành và thực hiện.

Nhiều đại biểu cũng tán thành với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương chung cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Đồng thời bảo đảm phân công hợp lý, không chồng chéo, nhất là việc lồng ghép thực hiện các chương trình trên cùng địa bàn. Tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong thực hiện các chương trình.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh