THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:26

Giảm nghèo bền vững 2021-2025: Rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay

Giảm nghèo bền vững 2021-2025: Rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 1.

Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, chiều nay 23/7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình trước Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiều thành tựu nổi bật

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Để minh chứng, Bộ trưởng nêu con số cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trung bình giảm 1,43%/năm (chỉ tiêu: 1-1,5%/năm), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm (chỉ tiêu: 3-4%), có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo.

Giảm nghèo bền vững 2021-2025: Rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình trước Quốc hội

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cuối năm 2020 còn 23,42%, trung bình giảm 5,4%/năm (chỉ tiêu: 4%/năm); có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới; có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, Việt Nam lần đầu tiên và là một trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

"Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn dân ta trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta», ông Dung nói.

Rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay

Để tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) trong điều kiện mới theo Bộ trưởng "là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay".

Giảm nghèo bền vững 2021-2025: Rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội trường Diên Hồng chiều 23/7

Điều đó, thể hiện ở một số lý do chính sau:

Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: "Đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm".

Thứ hai, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thứ ba, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030: "Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững".

Thứ tư, tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia.

Thứ năm, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Thứ sáu, việc xây dựng Chương trình là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Giảm nghèo bền vững 2021-2025: Rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 4.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội

Đa dạng hóa sinh kế

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, về tên gọi, Chương trình được đổi tên thành "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025".

Với đối tượng, địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, chú trọng địa bàn còn nhiều khó khăn.

Cho biết cụ thể, Bộ trưởng nêu, Chương trình được kết cấu lại với 6 dự án (11 tiểu dự án). Trong đó, chuyển các nội dung về đào tạo nghề chất lượng cao, phát triển hệ thống bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy thuộc các dự án 2 về "Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững" và dự án 3 về "Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội" vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bổ sung các tiểu dự án mới để giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản còn cao của các hộ nghèo ở giai đoạn trước hoặc chưa bố trí đủ nguồn lực thực hiện, gồm: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo và Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo và vùng nghèo, vùng khó khăn.

"Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước. Tập trung đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và huy động hợp pháp khác", Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nêu.

Với mục tiêu tổng quát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện chủ trương đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (theo Tờ trình 143/TTr-CP ngày 21 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ) được điều chỉnh giảm từ 90.260 tỷ đồng xuống còn 75.000 tỷ đồng.

Trong đó Ngân sách Trung ương: 48.000 tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu: 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 28.000 tỷ đồng);

Ngân sách địa phương: 12.690 tỷ đồng (vốn đầu tư: 2.200 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 10.490 tỷ đồng);

Huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng (vốn đầu tư: 2.600 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 11.710 tỷ đồng).

Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình hiệu quả.




Thành Công - (Ảnh: Việt Hùng)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh