THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:02

Tính toán mức hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thay đổi hạ tầng các huyện, xã đặc biệt khó khăn

Tính toán mức hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thay đổi hạ tầng các huyện, xã đặc biệt khó khăn - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra

Tán thành sự cần thiết xây dựng Chương trình

Trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, "Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình và thống nhất với tên gọi của Chương trình".

Bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Hồ sơ Chương trình cơ bản bảo đảm đầy đủ; nội dung cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Cơ bản tán thành với đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của Chương trình, tuy nhiên đại diện cơ quan thẩm tra nhận thấy, để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh.

Theo đó, về mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình, Ủy ban cho rằng, hiện chưa có số liệu cụ thể về tình trạng nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều nên khó xác định chính xác mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

Tính toán mức hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thay đổi hạ tầng các huyện, xã đặc biệt khó khăn - Ảnh 2.

Các vị đại biểu Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra, sử dụng hệ thống kỹ thuật tại hội trường và một số thiết bị, phần mềm nghiên cứu các tài liệu phục vụ kỳ họp (Ảnh: Việt Hùng)

Ủy ban đề nghị, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ trước khi quyết định Chương trình cần khẩn trương tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh.

Bổ sung giải pháp thích ứng với các tác động thiên tai, dịch bệnh

Đi vào các vấn đề cụ thể, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, các dự án thành phần của Chương trình, đơn cử như Dự án một, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, Dự án này trong giai đoạn 2016-2020 được đánh giá là đã phát huy hiệu quả, giúp thay đổi diện mạo nông thôn các khu vực này một cách rõ rệt.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ đầu tư còn thấp, dàn trải nên các công trình thường có quy mô nhỏ, thiết kế chưa đạt chuẩn kỹ thuật, dễ hư hỏng, xuống cấp.

Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ tính toán mức hỗ trợ đầu tư hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm để giúp thay đổi cơ bản điều kiện hạ tầng ở các huyện, xã đặc biệt khó khăn góp phần sớm đưa các huyện, xã này thoát nghèo.

Cùng với đó, tăng cường thực hiện chính sách việc làm tại địa bàn cấp xã theo quy định của Luật Việc làm để huy động tối đa nhân công là người địa phương tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tính toán mức hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thay đổi hạ tầng các huyện, xã đặc biệt khó khăn - Ảnh 3.

Quốc hội nghe Tờ trình Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Về Dự án 2, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, "Ủy ban thấy rằng, các dự án hỗ trợ sinh kế đã làm thay đổi nhận thức, tập quán, kỹ thuật sản xuất, giúp các hộ phát triển sản xuất, từ đó tăng thu nhập.

Do đó, Ủy ban đề nghị, trong quá trình xây dựng báo cáo khả thi thực hiện dự án, cần có giải pháp khắc phục tối đa 18 tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước đã được Chính phủ chỉ ra trong Báo cáo.

Đồng thời, ưu tiên áp dụng những mô hình đã được đánh giá, tổng kết có hiệu quả, nhân rộng để thực hiện; Bổ sung giải pháp thích ứng với các tác động thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, nhất là đại dịch Covid-19.

Về Dự án 3, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần thể hiện được sự liên kết hai tiểu dự án thành phần của Dự án là hỗ trợ sản xuất (tiểu dự án 1) và cải thiện dinh dưỡng (tiểu dự án 2).

Ngoài ra, nghiên cứu chuyển tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp về dự án 2 vì có những nội dung trùng lặp, và mục tiêu của các dự án, tiểu dự án này đều hướng tới cải thiện tăng thu nhập cho hộ nghèo và phân định rõ trách nhiệm giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ NN&PTNT.

Đồng thời, xem xét đưa tiểu dự án Cải thiện dinh dưỡng  thành một dự án riêng.

Dự án 4, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm và nhà ở, Ủy ban thấy rằng, các tiểu dự án từ 1 đến 4 có các nội dung thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được quy định trong các pháp luật giáo dục nghề nghiệp, việc làm.

Do đó, Ủy ban đề nghị rà soát, loại bỏ những nội dung thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước và các chính sách hỗ trợ thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên; làm rõ việc cần có nguồn lực hỗ trợ của Chương trình bên cạnh những nguồn chi thường xuyên đã được quy định…

Cũng như "làm rõ khái niệm "vùng nghèo, vùng khó khăn" trong các tiểu dự án 1 và 2 vì hiện nay mới có tiêu chí huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; bổ sung cơ chế thực hiện cho 02 tiểu dự án này, đặc biệt là quy định về hỗ trợ có điều kiện", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.

Bổ sung nguồn vốn cần đầu tư thêm cho Ngân hàng Chính sách xã hội 

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban thống nhất với dự kiến bố trí 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, đồng thời đề nghị Chính phủ, đối với nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, cần khẩn trương rà soát không sử dụng vốn của Chương trình để chi các hoạt động có tính chất chi thường xuyên thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc chế độ, chính sách cho đối tượng đã được quy định tại pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún; phải đúng, phải trúng các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Bên cạnh đó, bảo đảm tính khả thi của việc bố trí vốn ngân sách trung ương trong năm 2021 cho Chương trình là 7.000 tỷ đồng để tránh gián đoạn, giảm hiệu quả thực hiện Chương trình. Cân nhắc việc bố trí tỷ trọng vốn lớn vào năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, không nên huy động ngân sách địa phương quá lớn khi hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn thu do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ có kế hoạch bổ sung nguồn vốn cần đầu tư thêm cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với các đối tượng của Chương trình.

"Căn cứ quy định của pháp luật, hồ sơ Chương trình đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Xã hội đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025", bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.


Thanh Nhung - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh