Xây dựng mối quan hệ gắn kết hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp
- Bài thuốc hay
- 04:53 - 18/04/2019
Tiếp và làm việc với đoàn khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH có bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, cùng các đồng chí trong Thường trực ban chỉ đạo thành phố và lãnh đạo các sở ban ngành.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu định hướng tại buổi làm việc với UBND TP.HCM.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: “Việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, giữ chân người lao động làm việc lâu dài tại các nghiệp là điều mà các chủ doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần lưu ý thực hiện thường xuyên, liên tục; tránh tình trạng người lao động đình công, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Quan hệ cá nhân giữa người lao động và người sử dụng lao động cần rõ ràng, hài hòa và gắn kết với nhau hơn, không để người lao động bị thiệt thòi về quyền lợi, hợp đồng lao động…”.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22–CT/TW của Ban bí thư, nhận thức chung của các cấp, các ngành cũng như xã hội về quan hệ lao động xã hội được nâng cao hơn. Năng lực hoạt động của các cơ quan chuyên môn từng bước cải thiện. Ý thức chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp tốt hơn, giảm thiểu được số vụ vi phạm pháp luật lao động, quyền lợi của công nhân, người lao động từng bước được đảm bảo…
Bà Võ Thị Dung - Phó bí thư thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp và làm việc với đoàn khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH.
Tại buổi làm việc, UBND TP.HCM đã đưa ra phương hướng cụ thể trong thời gian tới là: Tiếp tục quán triệt sâu rộng, hiệu quả nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Thành ủy, chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống thiết chế về quan hệ lao động cả về tổ chức bộ máy và nguồn lực triển khai thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động của daonh nghiệp. Lãnh đạo thực hiện đề án phát triển dạy nghề thành phố đến năm 2025 theo quyết định số 4006/QĐ-UBND của UBND thành phố. Điều chỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với luật giáo dục nghề nghiệp, căn cứ trên thực tế nhu cầu học tập của người dân, người lao động và định hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao, trường nghề trọng điểm, đào tạo phù hợp với nhu cầu của thực tế, hoặc kết hợp đào tạo kép, đào tạo gắn liền với thực tiễn…
Quang cảnh buổi làm việc.
UBND TP.HCM kiến nghị: Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình xử lý những doanh nghiệp ngừng hoạt động, còn nợ tiền lương, tiền tham gia BHXH mà có chủ bỏ trốn, trong đó quy định rõ tiêu chí để xác định doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, các bước xử lý những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp có chủ đầu tư bỏ trốn và những biện pháp chế tài đối với những chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn. Nâng mức xử phạt liên quan đến người sử dụng lao động chậm trả, không trả lương đúng thời hạn cho người lao động để đủ tính răn đe các hành vi vi phạm.
Được biết trước đó, ngày 16/4, đoàn khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp dẫn đầu cũng đã làm việc với tỉnh Đồng Nai về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư TƯ Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.