Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế trọng điểm
- Giáo dục nghề nghiệp
- 02:25 - 13/04/2019
Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Chủ tịch UBND.TP.HCM Nguyễn Thành Phong; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng; ông Trần Lưu Quang - Phó Bí thư thường trực Thành Ủy TP.HCM cùng với hơn 300 đại biểu là các Bộ, ban ngành liên quan, Sở Du lịch trong cả nước, các đơn vị đào tạo…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn: “Du lịch thật sự là một trong những ngành công nghiệp có lợi thế và hiệu quả kinh tế đứng đầu của nước ta, thế nhưng lại chưa được khai thác hết tiềm năng, do đó cần chú trọng đầu tư và tạo điều kiện phát triển hơn nữa. Để du lịch phát triển vượt bậc, thực sự phát huy hết tiềm năng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và phát triển bền vững, với dự kiến năm 2025 tổng thu đóng góp 10% GDP cả nước theo Nghị quyết 08-NQ/TW, thì nguồn nhân lực chất lượng cao đóng một vai trò tối quan trọng. Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch), mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng... nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung về kỹ năng, ngoại ngữ. Với sự tăng trưởng không ngừng trong những thập kỷ qua, du lịch Việt Nam đã thể hiện được sức thu hút của điểm đến và sự năng động của nhân lực trong ngành du lịch. Việc Việt Nam được chọn cho cuộc gặp thượng định Mỹ - Triều tháng 2/2019 vừa qua với nhiều hình ảnh đẹp lưu lại trên truyền thông quốc tế cũng là một sự kiện quan trọng khẳng định Việt Nam là một điểm đến an toàn và góp phần không nhỏ cho việc quảng bá du lịch.”
“Với việc số lượng nhân lực đào tạo ra mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thực tế, đây rõ ràng không chỉ là sự cản trở cho phát triển du lịch, mà thật sự đã trở thành mối bận tâm của cả các bộ ngành liên quan. Làm sao để tạo cú hích hiệu quả cho đào tạo, thu hút nhân tài và phát triển nhân lực để từ đó phát triển du lịch nên được thảo luận sâu tại diễn đàn này. Chúng ta biết rằng, hiện tại cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch từ sơ cấp đến đại học: 115 trường đại học và cao đẳng đào tạo ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, 144 cơ sở đào tạo bậc trung cấp và 87 cơ sở đào tạo nghề du lịch và các ngành liên quan đến du lịch. Chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã có 63 cơ sở đào tạo du lịch: 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp. Thực tế cho thấy, các cơ sở đào tạo ngoài công lập có nhiều ưu thế trong việc đào tạo nhân lực du lịch và đã đạt được các thành tựu tương đối rõ nét trong việc phát triển chương trình đào tạo, hợp tác với doanh nghiệp lớn và hợp tác quốc tế về du lịch, xây dựng các cơ sở ứng dụng và thực hành, hướng đến các chuẩn mực toàn cầu về nhân lực du lịch. Đây là những điều cần lưu tâm khi phát triển đào tạo nhân lực ngành du lịch.”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Lễ ký kết văn bản hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp.
Theo ban tổ chức, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có bước phát triển về số lượng, chất lượng. Hiện cả nước có 346 cơ sở đào tạo từ sơ cấp đến Đại học. Riêng TP.HCM có 63 cơ sở đào tạo (24 đại học, 20 cao đẳng, và 19 trung cấp). Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên, liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp chưa chặt chẽ.
Vì vậy, diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch 2019 sẽ tìm giải pháp nâng chất lượng đào tạo; đánh giá toàn diện nguồn nhân lực; phân tích thực trạng và nhu cầu đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tham khảo kinh nghiệm các cơ sở đào tạo du lịch trong và ngoài nước. Từ đó kiến nghị cho các Bộ, ban ngành và UBND TP.HCM về vấn đề nhân lực, đổi mới đào tạo nhân lực ngành này.
Các đề tài tham luận và thảo luận tại diễn đàn sẽ xoay quanh 3 chủ đề chính: Đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự du lịch; Ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực ngành du lịch; Hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Tại diễn đàn các đại biểu cũng sẽ được lắng nghe một số bài tham luận và ý kiến của các đai diện đến từ sở Du lịch TP.HCM, trường Đại Học Hoa sen, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số doanh nghiệp như công ty Vietravel, Khách sạn - Nhà hàng Vatel International - Pháp trong phiên họp lần thứ nhất của diễn đàn. Cũng tại diễn đàn, đã diễn ra lễ ký kết văn bản hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp.