THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:22

Xây dựng hành lang pháp lý về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp

Dịch vụ CTXH trong lĩnh vực tư pháp hiện nay chưa thực sự chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ CTXH cho đối tượng là người bị hại.

Dịch vụ CTXH trong lĩnh vực tư pháp hiện nay chưa thực sự chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ CTXH cho đối tượng là người bị hại.

TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, xét về bản chất, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp là những hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị hại, người bị kết án, người trong quá trình chấp hành án và người đã chấp hành xong hình phạt; người được trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn trong các vụ việc về lao động, việc làm, người có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế… Đây là các đối tượng có liên quan đến hệ thống tư pháp nên họ cần được sớm tiếp cận với hệ thống tư pháp công bằng, minh bạch, bình đẳng, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành chức năng, nhất là Bộ LĐTB&XH, Bộ Tư pháp, Bộ Công an... đã từng bước tham mưu hoàn thiện các văn bản pháp quy về công tác xã hội để trợ giúp các đối tượng như: Người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, người chưa thành niên, người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế.

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được quy định rõ ràng, hoàn chỉnh. Nhiều văn bản pháp luật quy định về công xã hội có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là nghị định và thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Có thể kể đến, trong lĩnh vực tư pháp hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định trực tiếp, cụ thể về nghề CTXH hay người làm CTXH. Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa quy định cụ thể vai trò của nghề CTXH trong quá trình xử lý người vi phạm hành chính. Pháp luật hình sự và tố tụng hình sự tuy chưa có các quy định cụ thể và trực tiếp liên quan đến vai trò và nhiệm vụ của nghề CTXH nhưng cũng có những quy định làm tiền đề cho sự phát triển nghề này.

Dịch vụ CTXH trong lĩnh vực tư pháp hiện nay mới tập trung hỗ trợ, giúp đỡ người vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị kết án, chấp hành án mà chưa thực sự chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ CTXH cho đối tượng là người bị hại, nạn nhân của các vụ vi phạm pháp luật, vụ án như nạn nhân bị mua bán người, nạn nhân bị xâm hại tình dục… đặc biệt nạn nhân là người dưới 18 tuổi.

Đáng lưu ý, hiện nay, đội ngũ người làm CTXH và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực Tư pháp còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển các quy định phát triển dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư pháp và cả các lĩnh vực khác.

Tại Hội thảo khoa học: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp” được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: Ở nước ta, công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng đã và đang đặt ra không ít thách thức trước những đòi hỏi làm sao để các hoạt động công tác xã hội thực sự trở thành một nghề chuyên nghiệp và được xã hội đón nhận như một nhu cầu tất yếu.

Ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112/QĐ-TTg về ban hành Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021- 2030, trong đó đề ra nhiệm vụ: Nghiên cứu, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về phát triển CTXH, dịch vụ CTXH, trong đó, nghiên cứu quy định rõ vai trò, nhiệm vụ, quy trình cung cấp dịch vụ CTXH của cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH trong các ngành, lĩnh vực tư pháp. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật; rà soát, đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật về CTXH trong hệ thống tư pháp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phát triển CTXH thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ.

Để hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp nói riêng, các cơ quan chức năng nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng về công tác xã hội; Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, đánh giá chương trình đào tạo về lĩnh vực này; Tập trung vào rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành để có sửa đổi cho phù hợp; Tăng cường học tập kinh nghiệm trong nước, quốc tế và chia sẻ rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân…

Vi Hương

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh