THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:28

Phát triển nghề CTXH mang đậm tính nhân văn

Từ Đề án đậm tính nhân văn...

 Ngày 25/3/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Quyết định 32). 

Mục tiêu chung của Đề án là “ Phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số  lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”. 

Như vậy Đề án 32 đã tạo ra hành lang pháp lý để từng bước phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp. Mặt khác, đề án tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp bộ đảng, chính quyền và xã hội về nghề CTXH. Trong 5 năm qua, hàng ngàn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên, cán bộ đoàn thể đã được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo, thăm quan các  mô hình về CTXH, nhiều trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội đã được thành lập mới, một số trung tâm bảo trợ xã hội được bổ sung thêm chức năng CTXH.

Thông qua các hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH, các cấp Ủy đảng, đoàn thể chính trị xã hội và các đối tượng xã hội đều đánh giá đây là mô hình hoạt động rất phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện Đề án 32, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH  TP.Hà Nội giai đoạn 2010- 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo TP.Hà Nội và Bộ LĐ-TB&XH.

Đối tượng yếu thế sau khi được trợ giúp, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.Đối tượng yếu thế sau khi được trợ giúp, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Để các hoạt động CTXH của Hà Nội chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, ngày 21/3/2014, UBND TP Hà Nội đã bàn hành Quyết định 1541/QĐ - UBND về việc thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội (thuộc Sở LĐ-TB&XH) với chức năng tiếp nhận đối tượng khẩn cấp, tổ chức đào tạo nghề CTXH, tư vấn, tham vấn và kết nối các nguồn lực để trợ giúp các đối tượng có vấn đề trên địa bàn thành phố.

Trung tâm ra đời đánh dấu sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố theo hướng chuyên nghiệp.

Đến những việc làm nhân văn

 Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH đã tiếp nhận tư vấn, trợ giúp cho gần 500 lượt đối tượng, tiếp nhận trên 30 trường hợp khẩn cấp do công an và người dân cung cấp; tổ chức các cuộc truyền thông tại các trường học, khu dân cư, khảo sát nhu cầu cần cung cấp dịch vụ xã hội tại 17/17 phường thuộc quận Hà Đông.

Phát hành trên 50 ngàn tờ rơi, lịch tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm gửi tới các Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện, thị xã, các cơ sở bảo trợ xã hội và các đơn vị thuộc Sở LĐ-TB&XH, các trường đại học, trường phổ thông trung học, phổ thông cơ sở... tổ chức các hoạt động truyền thông trên báo, tạp chí, đài phát thanh truyền hình...

Bằng những việc làm cụ thể của cán bộ, viên chức Trung tâm, nhiều cá nhân, tổ chức đã biết đến các hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội do Trung tâm cung cấp, nhiều cá nhân đã đến trực tiếp, viết thư cảm ơn về công tác tham vấn, tư vấn, trợ giúp khẩn cấp, nhiều trẻ em bị lạc, mất nguồn nuôi dưỡng.... đã được Trung tâm tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng của thành phố giải quyết chế độ. 

Nhiều trường hợp được đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình cho họ trở về hòa nhập đời sống cộng đồng, những gia đình có mâu thuẫn gia đình, tranh chấp về quyền nuôi con... cũng đã được cán bộ trung tâm phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội, các chuyên gia tham vấn, tư vấn và họ đã hòa thuận.

Hoạt động của Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH thực sự là “cầu nối” giúp cho người dân đặc biệt là đối tượng “ yếu thế” tiếp cận các chính sách nhà nước. Như vậy mọi người dân khi có nhu cầu tư vấn, tham vấn về cơ chế, chính sách xã hội đều có thể tiếp cận qua điện thoại.

Việc này vừa nhanh, tiện lợi, tiết kiệm được thời gian đi lại của người dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cán bộ Trung tâm sẽ tư vấn, tham vấn, kết nối thông tin với các cơ sở dịch vụ xã hội trên địa bàn Hà Nội, tạo cơ hội cho người dân lựa chọn được loại hình dịch vụ phù hợp.

Còn đó những khó khăn

 Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 32,Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH cũng còn có những khó khăn  như: Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ trên địa bàn Hà Nội còn thiếu và chưa có sự gắn kết... cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa tương thích với nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ, viên chức của trung tâm còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 32, Trung tâm dịch vụ nghề CTXH rất cần các cơ quan, sở, ngành của TP Hà Nội về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách  cho đội ngũ cán bộ làm việc trực tiếp tại Trung tâm. Hiện nay do đặc thù của việc tiếp nhận các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp rất cần sự hỗ trợ, cộng tác của công an, các cơ sở y tế.

Có trường hợp khi cán bộ trung tâm tiếp cận sức khỏe yếu cần phải được đưa vào cơ sở y tế, trong khi đó các giấy tờ tùy thân họ không có, cơ chế hỗ trợ về tiền ăn, tiền thuốc cho đối tượng, tiền hỗ trợ cán bộ khi tham gia trợ giúp đối tượng khẩn cấp cũng có những bất cập.

Hệ thống văn bản pháp lý quy định về nghề CTXH cũng cần được hoàn thiện để tạo ra sự đồng bộ trong quá trình hành nghề CTXH của đội ngũ cán bộ chuyên trách tại các Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH công lập; đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp đó cũng chính là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện Hiến pháp về chính sách an sinh xã hội theo hướng tiên tiến.

Hiện nay Trung tâm thực hiện việc tiếp nhận thông tin, nhu cầu tư vấn, tham vấn, trợ giúp cho các đối tượng xã hội và các đối tượng khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội 24/24 giờ hàng ngày, qua số điện thoại 04.33525662.

Nguyễn Ngọc Minh (Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội).

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh