Hỗ trợ giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỷ tại cơ sở mầm non
- Dược liệu
- 14:07 - 05/12/2022
Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Tâm (36 Hồ Sanh, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) có 24 giáo viên; đang trực tiếp can thiệp, trị liệu và hỗ trợ hòa nhập cho 120 trẻ. Sau 6 năm hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận và can thiệp cho hàng nghìn trẻ mắc các rối loạn phát triển như: chậm phát triển ngôn ngữ, tự kỷ tại gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng. Đồng thời, đánh giá, tư vấn phương pháp chăm sóc và can thiệp giáo dục trẻ tự kỷ tại nhà; cung cấp nội dung, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù, phù hợp từng dạng tật của trẻ.
Thạc sỹ giáo dục đặc biệt Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm cho biết: Tự kỷ là hội chứng khá phổ biến, song ở tỉnh Sơn La thì còn khá mới , các nguồn thông tin trợ giúp trẻ tự kỷ trên địa bàn còn ít, biểu hiện của chứng tự kỷ lại không rõ ràng nên không phải cha mẹ nào cũng có thể nhận biết được. Hầu hết các gia đình chỉ nhận dạng bệnh ở biểu hiện chậm nói mà không để ý đến các dấu hiệu khác (không có phản xạ khi được gọi tên, quá nhạy cảm với âm thanh, thiếu nhận thức về sự nguy hiểm; không có hoặc có ít khả năng về ngôn ngữ giao tiếp; không có khả năng tập trung vào một việc gì hoặc chỉ tập trung vào một loại đồ chơi yêu thích). Bên cạnh đó, một số gia đình còn giấu bệnh, không cho con đi can thiệp, làm cho trẻ tự kỷ vốn dĩ khó hòa nhập lại càng bị cô lập hơn trong cộng đồng nói chung và môi trường giáo dục phổ thông. Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ phải có chương trình phù hợp, cần nhiều nguồn nhân lực, cần nhiều học liệu đặc biệt, chi phí giáo dục cũng cao hơn so với các môi trường giáo dục khác.
Cô giáo Lường Thị Ngọc Diệp – giáo viên của Trung tâm chia sẻ thêm: Do nhận thức về hội chứng tự kỷ của bậc phụ huynh còn hạn chế nên tỷ lệ trẻ tự kỷ được phát hiện để tham gia chương trình can thiệp sớm chưa cao, khi can thiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều trẻ khi đến can thiệp tại cơ sở không chỉ mắc chứng tự kỷ mà còn tăng động, kém tập trung. Trong quá trình dạy trẻ, chúng tôi phải phối hợp với phụ huynh để nắm bắt tâm lý, từ đó lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp nhất.
Có mặt tại Trung tâm, trực tiếp tham quan, nhìn các em nhỏ vui chơi, học hành ai cũng nghĩ đây là hoạt động bình thường nhưng lại chính là một giờ can thiệp vật lý trị liệu của một lớp học đặc biệt, với những học sinh có khiếm khuyết về thần kinh như bị tự kỷ, rối loạn hoạt động, bại não, đao và khiếm thính... Sau một thời gian được can thiệp với phương pháp phù hợp, được các giáo viên chuyên biệt chăm sóc, hỗ trợ điều trị, rất nhiều trẻ bị khiếm khuyết thần kinh đã có sự thay đổi rõ rệt so với những ngày đầu.
Chị Đinh Thị Phương Thảo (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) có con học tại Trung tâm chia sẻ, con chị mắc chứng tự kỷ, sau khi thăm khám, gia đình đã cho cháu tham gia các lớp can thiệp tại Hà Nội, nhưng gặp khó khăn vì vừa xa xôi, vừa bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Sau khi tìm hiểu, biết đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Tâm, chị đã chuyển con lên học ở đây. Chỉ sau vài tháng, con chị đã giao tiếp tốt hơn và bắt đầu phát được âm tiết, từ ngữ. Tháng 7 vừa qua, tròn một năm can thiệp, cháu đã chủ động giao tiếp và qua đánh giá tình trạng của cháu ổn định. Hiện gia đình đang cho cháu theo học tại một trường mầm non ở địa phương.
Bằng những liệu trình hỗ trợ can thiệp riêng, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Tâm đã và đang mang đến những hi vọng cho rất nhiều trẻ cũng như những gia đình có con mắc những khiếm khuyết về các rối loạn phát triển, sớm hòa nhập xã hội và trưởng thành như bao đứa trẻ bình thường khác. Thời gian tới, để giúp đỡ được nhiều trẻ gặp hội chứng về rối loạn phát triển, Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình can thiệp sớm; tăng cường các hoạt động dạy kỹ năng sống và kỹ năng độc lập, giáo dục giới tính cho nhóm trẻ lớn; kết nối với các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các trẻ tự kỷ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đồng thời, tập trung xây dựng mạng lưới phòng hỗ trợ hòa nhập tại các cơ sở mầm non trên địa bàn toàn tỉnh giúp phụ huynh giảm chi phí, tạo hiệu quả cao trong công tác can thiệp cho trẻ.
Khi phát hiện con có các biểu hiện bất thường như: hạn chế khả năng tương tác xã hội, khả năng ngôn ngữ; có hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại... phụ huynh nên đưa trẻ tới các bệnh viện hoặc chuyên gia giáo dục đặc biệt, chuyên gia tâm lý, chuyên gia âm ngữ trị liệu, chuyên gia trị liệu hành vi để kiểm tra và được tư vấn chính xác thực trạng con em mình. Bởi cùng một hội chứng tự kỷ, song không trẻ tự kỷ nào giống trẻ tự kỷ nào, cách chăm sóc và can thiệp trị liệu cũng hoàn toàn khác nhau.