THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 01:59

Trung tâm CTXH thành phố Hải Phòng: Linh hoạt các hình thức cung cấp dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Về cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, bảo vệ khẩn cấp: Đã duy trì hoạt động thường xuyên tiếp nhận và xử lý thông tin tư vấn chính sách bảo trợ xã hội, bảo vệ trẻ em qua Tổng đài 18006605. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận 312 cuộc gọi đến; thu thập và xử lý thông tin tư vấn, can thiệp trợ giúp cho 59 trường hợp (58/59 trường hợp đã đóng ca), ít hơn 24 ca so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ đạt 71%. Trong đó có 3 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, 10 trường hợp trẻ em bị bạo lực, bạo hành, 3 trường hợp trẻ em khuyết tật, 14 trường hợp trẻ em rối loạn phát triển, 5 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 3 trường hợp phụ nữ bị bạo lực gia đình, 2 trường hợp người cao tuổi đơn thân, 1 trường hợp người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 3 trường hợp lang thang, 15 trường hợp tư vấn, tham vấn về chính sách bảo trợ xã hội, kết nối nguồn lực trợ giúp, bảo vệ trẻ em.

Hội nghị tập huấn kỹ năng công tác xã hội trong phát triển cộng đồng

Hội nghị tập huấn kỹ năng công tác xã hội trong phát triển cộng đồng

Trong những tháng đầu năm 2021, thực hiện đánh giá, sàng lọc, can thiệp cho 7 trường hợp trẻ em rối loạn phát triển tại Trung tâm. Năm 2021, nhu cầu đăng ký đánh giá trẻ em rối loạn phát triển tại Trung tâm ngày càng nhiều hơn nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên hoạt động cung cấp dịch vụ đánh giá, can thiệp trị liệu trẻ em rối loạn phát triển bị ngưng lại để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, Trung tâm vẫn duy trì liên lạc qua điện thoại hướng dẫn, hỗ trợ các phụ huynh trẻ em rối loạn phát triển chăm sóc trẻ tại nhà.

Về cung cấp dịch vụ truyền thông nâng cao nhận thức và giáo dục xã hội nâng cao năng lực, phát triển khả năng tự giải quyết vấn đề xã hội: Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông gián tiếp, đổi mới về nội dung và hình thức tập huấn CTXH phù hợp với điều kiện thực tiễn, như: In, cấp phát hơn 50.000 tờ rơi giới thiệu về các dịch vụ CTXH cho các nhóm đối tượng trợ giúp; 225 áp phích tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021; 735 quyển lịch tuyên truyền số tổng đài tư vấn chính sách trợ giúp xã hội, bảo vệ trẻ em, phím số 18006605; thực hiện in và cấp phát 700 quyển cẩm nang cung cấp dịch vụ CTXH, 1.200 quyển tài liệu cung cấp dịch vụ CTXH với đối tượng gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh cho đội ngũ người làm CTXH quận, huyện, xã, phường. Tăng cường phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, viết bài tuyên truyền nâng cao nhận thức về CTXH; thường xuyên cập nhật tin bài lên trang thông tin điện tử địa chỉ http://congtacxahoihaiphong.gov.vn. của Trung tâm. Phối hợp với phòng LĐ-TB&XH các quận/huyện, UBND các xã, phường tổ chức 50 hội nghị tuyên truyền CTXH cho 4.933 đại biểu là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, Bí thư chi bộ, tổ trưởng/trưởng thôn, hội viên, cộng tác viên CTXH, phụ huynh và trẻ em tại các trường học; tổ chức 16 hội nghị tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng giải quyết vấn đề xã hội, kỹ năng CTXH với đối tượng gặp khó khăn trong thiên tai, dịch bệnh cho 955 người làm CTXH ở cơ sở.

Công tác xã hội viên Trung tâm CTXH TP. Hải Phòng thực hiện quản lý trường hợp tại cộng đồng

Công tác xã hội viên Trung tâm CTXH TP. Hải Phòng thực hiện quản lý trường hợp tại cộng đồng

Về quản lý trường hợp: Năm 2021, Trung tâm đã thực hiện lập hồ sơ quản lý trường hợp cho 63 ca, đạt 105% so với kế hoạch năm, trong đó: 7 trường hợp trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; 9 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 1 hộ gia đình khó khăn; 40 trường hợp người khuyết tật; 3 trường hợp trẻ em chậm phát triển can thiệp trị liệu tại Trung tâm; 03 trường hợp người già, trẻ em bị nhiễm Covid-19 ở cộng đồng có nhu cầu cung cấp dịch vụ CTXH.

Đây là một tiến trình trợ giúp của CTXH, kết nối chính sách bảo trợ xã hội đến gần hơn với người dân có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; kịp thời tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý đối với trẻ em, người già bị nhiễm Covid-19 ở cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, theo bà Phạm Thị Lan, Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố Hải Phòng, việc triển khai hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH của Trung tâm cũng có lúc, có nơi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cung cấp dịch vụ CTXH trong thiên tai, dịch bệnh, nguồn lực hỗ trợ  tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh và giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, nhận thức về CTXH chưa được các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân thật sự quan tâm, hiểu biết đầy đủ, đánh giá đúng với vai trò, vị trí trong trợ giúp xã hội cũng là những trở ngại không nhỏ trong quá trình hoạt động của đơn vị.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2022, Trung tâm sẽ sẵn sàng cung cấp các dịch vụ khẩn cấp (nơi ở tạm thời, thức ăn, quần áo và đi lại... đảm bảo sự an toàn và đáp ứng nhu cầu khẩn cấp đối với nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động vào Trung tâm).

Tiếp tục duy trì đường dây tư vấn tổng đài miễn phí cuộc gọi đến trực trong giờ hành chính 18006605 và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tư vấn, tham vấn các biện pháp phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, các trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp tại cộng đồng; trợ giúp đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương  tiếp cận các chính sách trợ giúp xã hội, giải quyết vấn đề xã hội do dịch bệnh gây ra. Cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực phát triển khả năng tự giải quyết vấn đề của đối tượng; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tham gia học tập kinh nghiệm, kiện toàn nhân sự... để nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ CTXH, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.

Đồng thời, tăng cường quản lý trường hợp; đánh giá, can thiệp trợ giúp trẻ em rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và rối loạn phát triển ngày càng chất lượng và hiệu quả cao hơn. Tích cực huy động, vận động mọi nguồn lực để trợ giúp đối tượng ở cộng đồng tháo gỡ khó khăn. Tổ chức hoạt động phát triển cộng đồng: Nghiên cứu thực trạng và giải pháp thực hiện phòng chống xâm hại trẻ em tại khu nhà trọ cho công nhân, người dân nhập cư làm việc tại các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH với nhiều hình thức như tờ rơi, cẩm nang, sổ tay, tài liệu, lịch tuyên truyền, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền; xây dựng phóng sự truyền hình, đưa tin, viết bài chuyên trang chuyên mục, tổ chức hội nghị, hội thảo...

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh