THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:40

Xây dựng Đề án Quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

695.480 NCC được hưởng chế độ điều dưỡng hàng năm

Theo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, cả nước có 695.480 NCC được hưởng chế độ điều dưỡng hàng năm với 2 hình thức: Điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình. 750.000 NCC với cách mạng hưởng chế độ điều dưỡng hai năm một lần.

Xây dựng Đề án Quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh, việc lập Quy hoạch nhằm đảm bảo NCC được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Cả nước hiện có tổng số 67 Trung tâm Điều dưỡng, nuôi dưỡng NCC. Trong đó, 33 Trung tâm thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng NCC (chỉ chuyên về điều dưỡng luân phiên cho NCC); 15 Trung tâm thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và NCC; 13 Trung tâm thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC và đối tượng bảo trợ xã hội; 6 Trung tâm lớn, thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng NCC.

Hàng năm, các Trung tâm luôn đảm bảo kế hoạch đưa đón đại biểu NCC đến điều dưỡng, đầy đủ các điều kiện vật chất như: Thuốc men; chăm sóc, tư vấn sức khỏe, phục vụ nhà, phòng chu đáo. Viên chức, lao động trong đơn vị có ý thức trách nhiệm cao trong công việc và luôn phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các dự án xây dựng mới các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng đều được bố trí vốn kịp thời, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã được hoàn thành tốt.

Tuy nhiên, hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC còn thiếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa đạt mục tiêu đề ra. Đa số đại biểu NCC tuổi cao, sức yếu, cộng với vết thương thực thể tái phát, ảnh hưởng chất độc hóa học, nên việc phục vụ gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ, viên chức và người lao động trong các Trung tâm có thu nhập thấp, không bảo bảo đời sống gia đình. Việc tổ chức đưa đoàn điều dưỡng NCC và thân nhân đi điều dưỡng chăm sóc sức khỏe tập trung tại các tỉnh khác yêu cầu đối tượng phải đảm bảo điều kiện về sức khỏe. Tuy nhiên hiện phần lớn đối tượng NCC và thân nhân đều lớn tuổi, tình hình sức khỏe yếu.

Các trung tâm này được đầu tư từ hai nguồn: Nguồn vốn đầu tư, nâng cấp thông qua Bộ; nguồn kinh phí của địa phương và hỗ trợ từ kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC. Đối với nhóm một, nhìn chung các trung tâm này có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu điều dưỡng NCC, nhưng một vài công trình được đầu tư đã gần 20 năm, kinh phí duy tu, bảo trì hạn chế nên cũng đã xuống cấp. Hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC còn thiếu, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đảm bảo NCC được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan khẳng định: Ưu đãi NCC với cách mạng là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đó là sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với NCC và thân nhân NCC với cách mạng. Lập quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC; đảm bảo NCC được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần; là công cụ hiệu quả, hiệu lực của nhà nước để phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển lĩnh vực chăm sóc NCC…

Xây dựng Đề án Quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 3.

Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) báo cáo dự thảo Đề án Quy hoạch.

Thứ trưởng cho biết thêm, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 525/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ LĐ-TB&XH đã giao Cục NCC chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan liên quan xây dựng Đề án Quy hoạch nhiệm vụ. Dự thảo Đề án Quy hoạch được xây dựng phù hợp theo đặc điểm từng vùng lãnh thổ, cơ cấu và số lượng người có công với cách mạng, phù hợp với khả năng đầu tư của nhà nước, bảo đảm tính kế thừa, tính khoa học, thực tiễn trong các giai đoạn 2021 - 2025, 2026 - 2030, 2031 - 2050.

Đóng góp vào dự thảo Đề án Quy hoạch, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ LĐ-TB&XH) đề xuất, đơn vị lập Đề án Quy hoạch cần bám sát hơn Quyết định 252 của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch cần đảm bảo tính khoa học mang tầm vĩ mô và có tính dài hơi. Quy hoạch phải được xây dựng trên những cơ sở khoa học như dự báo số đối tượng NCC mới và đối tượng NCC mất để đưa ra quy hoạch đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng của NCC tại các trung tâm. Đồng thời quy hoạch phải đảm bảo liên kết vùng giữa các trung tâm cũng như các cơ sở hạ tầng khác trong khu vực.

Đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan yêu cầu Cục NCC, cơ quan tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tham khẩn trương hoàn thiện Đề án Quy hoạch trình Bộ. Đồng thời, thực hiện đăng tải toàn văn dự thảo trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến nhân dân, góp ý của các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2021.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh