THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:11

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ sở dữ liệu điều dưỡng người có công

Công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công 3.847 liệt sĩ

Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Xuân Long cho biết: Năm 2020, Cục Người có công đã tập trung nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phối hợp các cơ quan thuộc Bộ xây dựng, trình Bộ, trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Cục Người có công cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tại kỳ họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, tỷ lệ tán thành đạt 100% với nhiều điểm mới. Giai đoạn 2016-2020, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách qua các thời kỳ.

"Với phương châm "không để người thực sự có công mà không được xem xét công nhận và thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, chăm sóc của Nhân dân", ngay từ đầu năm 2020, Cục Người có công đã tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đôn đốc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu theo Chỉ thị số 14-CT/TW và chương trình công tác của năm 2020 của Bộ.

Cùng với đó, Cục Người có công đã tham mưu, báo cáo để Bộ trưởng có các buổi làm việc trực tiếp với Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Tháp, Tây Ninh, và Quảng Nam nhằm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng", ông Long thông tin.

Cục Người có công đã thẩm định trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 615 liệt sĩ, cấp đổi lại 11.860 bằng Tổ Quốc ghi công. Trong giai đoạn 2016-2020 Cục đã thẩm định trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 3.847 liệt sĩ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn địa phương trong thực hiện công tác xác nhận người có công với cách mạng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc; chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu vi phạm.

Năm 2017 đã giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng

Cũng theo thông tin từ ông Long, cả nước có khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách ưu đãi. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì cả nước có trên 5.900 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng.

Xác định rõ tính chất phức tạp của vấn đề, Bộ đã chỉ đạo giải quyết thí điểm hồ sơ tồn đọng tại 5 địa phương: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Long An và Đà Nẵng, sau đó bổ sung thêm 4 tỉnh: Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tiền Giang để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai trên diện rộng.

Tại 9 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ công tác Trung ương đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng. Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, lãnh đạo các cấp ở địa phương qua các thời kỳ xem xét, giải quyết đối với 5.900 hồ sơ tồn đọng tại các địa phương.

Đến 31/12/2017 đã xem xét, rà soát 5.900 hồ sơ. Như vậy, năm 2107, đã giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng theo đúng Nghị quyết Chính phủ đề ra. Từ kết quả trên, năm 2018 đến 2020, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng theo hướng mở rộng phạm vi giải quyết đến các cấp, ngành, huyện, xã và trong nhân dân, đã tiếp nhận 822 hồ sơ.

Sau 3 năm đã tiếp nhận tổng số 6.722 hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.204 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận rõ và giải thích cho đối tượng thấu tình, đạt lý. Đối với những hồ sơ cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện sẽ xem xét giải quyết dứt điểm vào trước 31/7/2021.

Đời sống của người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp hàng tháng tăng từ 1.318.000 đồng năm 2015 lên mức 1.624.000 đồng năm 2020. Đến hết tháng 12/2020, các địa phương bằng nhiều hình thức trợ giúp đã xóa nghèo đối với 16.560 hộ nghèo có thành viên là người có công tại 53 tỉnh, thành phố. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước trong giai đoạn 2016-2020 vận động được hơn 5.600 tỷ đồng.

Cục đã chủ động tham mưu cho Bộ để góp phần cho Bộ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động ứng phó với dịch Covid 19, trong đó đối tượng là người có công, thân nhân người có công với cách mạng số kinh phí chi trả khoảng 1.483 tỷ đồng.

Trong năm 2020, kết quả thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, đã tiếp nhận để giám định ADN 6.323 mẫu gồm 5.680 mẫu hài cốt liệt sĩ và 643 mẫu thân nhân liệt sĩ, đã phân tích được 2.336 mẫu. Kết quả đã xác định danh tính 221 hài cốt liệt sĩ gồm 147 hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và 74 hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ đã được Cục tham mưu với Bộ tổ chức nhiều hoạt động tri ân, tôn vinh thiết thực, trang trọng, từ Trung ương đến địa phương, tạo dấu ấn sâu đậm, lan tỏa trong cộng đồng xã hội.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Cục Người có công trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là về xây dựng thể chế, giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công, chăm sóc tri ân người có công với cách mạng và thân nhân. "Ngay trong những ngày cuối năm 2020, Cục đã kịp thời lấy ý kiến và tham mưu nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng và thân nhân nhân dịp Tết Tân sửu 2021", Thứ trưởng nêu.

Về nhiệm vụ năm 2021, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng, Cục đã đi đầu số hóa hồ sơ người có công, thời gian tới Thứ trưởng đề nghị Cục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý công việc nhanh và thuận tiện hơn. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Người có công hoàn thiện cơ sở dữ liệu điều dưỡng người có công. Đồng thời, thực hiện song song hai nhiệm vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công với cách mạng. "Cục cần tăng cường công tác tuyên truyền đặc biệt là những điểm mới của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh