Vay “tín dụng đen” A lô là có liền
- Pháp luật
- 15:56 - 20/12/2018
“A lô… là có tiền liền”
Không khó để tiếp cận với những nhóm cho vạy nặng lãi ở TP. HCM, khi khắp nơi trên các tuyến đường, con hẻm đều có dán các tờ rơi cho vay nhanh chỉ với thủ tục đơn giản khi người cần tiền chỉ việc gọi qua số điện thoại trên các tờ rơi. Không chỉ phát, dán tờ rơi mà gõ từ khoá trên mạng xã hội với nội dung “vay tiền nóng 10p có ngay” bằng cách để lại comment số điện thoại và ngay lập tức có một cuộc gọi đến để hỏi những câu hỏi về tài sản đang sở hữu như: Dùng điện thoại loại nào? xe đang chạy là xe gì? và sau đó chúng tôi đã được chốt lịch hẹn với địa chỉ cụ thể và đầu giây bên kia cũng không quên dặn mang theo các loại giâý tờ như: Căn cước công dân, bằng lái, cà vẹt xe, hộ khẩu, hoặc các loại bằng cấp miễn là giấy tờ gốc hợp pháp.
Cạm bẫy “tín dụng đen” bửa vây khắp nơi trên địa bàn TP.HCM, xé hôm nay ngày mai lại được dán lại
Địa điểm hẹn để tiến hành giao dịch là tại một quán cà phê vắng vẻ ở trong con hẻm nhỏ, quận Phú Nhuận, TP. HCM. Đến đúng giờ như đã hẹn, khi chúng tôi bước vào ở dưới lầu trệt, khách uống cà phê khá đông, nhưng địa điểm hẹn là ở lầu 2, khi bước lên lầu 2 thì rất vắng vẻ không có vị khách nào mà chỉ có 3, 4 anh thanh niên xăm trổ đang ngồi đợi với tập sổ sách để sẵn trên bàn. Dường như đây là “đại bản doanh” tiếp khách và giao dịch của đường dây “tín dụng đen”. Thấy chúng tôi, một người ra tiếp chuyện và tự giới thiệu tên là Hùng, đã từng nói chuyện qua điện thoại và đặt lịch hẹn tại đây. Thoạt nhìn, Hùng còn khá trẻ chỉ tầm 19 - 20 tuổi, với giọng nói người miền Bắc và khá hoạt ngôn lanh lợi. Vừa ngồi vào bàn, Hùng đã nhanh chóng đi thẳng vào vấn đề “Anh cần vay bao nhiêu?”. Sau khi chúng tôi trình bày vì mới chân ướt chân ráo vào miền nam làm thuê giờ đang cần gấp một số tiền 5 triệu đồng để trang trải thì Hùng cười và nói “tưởng nhiều chứ 5 triệu thì chuyện nhỏ!” rồi nói tiếp “Bây giờ anh cho em xem giấy tờ của anh”.
Thủ tục kiểm tra giấy tờ khá nhanh, dường như Hùng không quan tâm đến nó nhiều ngoài địa chỉ được ghi trên sổ hộ khẩu người vay tiền. Sau khi xem qua giấy tờ tùy thân của tôi Hùng thông báo mức lãi suất: “Bên em cho vay trong vòng 10 ngày anh nhé, vay 5 triệu thì tiền lãi phải đóng là 750.000 đồng/10 ngày”. Suy nghĩ một lúc, chúng tôi chấp nhận vay số tiền 5 triệu đồng với mức lãi trên, Hùng nhanh chóng lấy trong cuốn sổ ra một tờ A4 và đưa cho tôi viết theo những gì Hùng đọc, theo Hùng thì đây chính là hợp đồng vay tiền.
Núp bóng doanh nghiệp để “lách luật”
Hợp đồng được Hùng thuộc lòng và nội dung rất tinh vi “do có quen biết với anh T. làm ở công ty Honda và anh (PV) có nhờ tôi đứng ra mua dùm anh (PV) một chiếc xe máy mới hiệu Honda với số tiền đặt cọc trước là 5 triệu đồng. Và anh (PV) hẹn 10 ngày sau sẽ hoàn trả số tiền 5 triệu đồng bên cho vay đã đặt dùm anh (PV). Nếu không đúng thời hạn anh (PV) không hoàn trả số tiền trên thì phải hoàn trả cho bên cho vay chiếc xe mang nhãn hiệu…”. Cuối hợp đồng là câu “Tôi (PV) hoàn toàn tỉnh táo, không bị ép buộc khi viết hợp đồng này”. Rồi kí tên, lăn vân tay của người vay tiền. Trong hợp đồng thỏa thuận tuyệt nhiên không hề đề cập đến vấn đề lãi suất, và được thay thế bằng việc được thỏa thuận bằng miệng: “10 ngày không trả được tiền gốc thì đóng lãi gia hạn 10 ngày tiếp theo với số tiền là 750.000 đồng”. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao lại có chiếc xe máy trong hợp đồng mà không ghi thẳng khoản tiền vay và tiền lãi cho dễ hiểu thì Hùng cười một cách hàm ý rồi nói: “Anh đừng quan tâm đến chiếc xe trong hợp đồng, nó chỉ là cách dùng từ khác đi để “lách luật” thôi, chứ viết thẳng ra chết bọn em à”.
Tuy nhiên chúng tôi cũng hiểu rằng “bút sa gà chết” nếu đến ngày đóng lãi “cắt cổ” mà không thanh toán kịp số tiền kia thì có thể chúng tôi sẽ bị bắt đền cả một chiếc Honda mới mà giá trị của nó chắc chắn cao hơn ít nhất là gấp đôi số tiền đang vay. Sau khi xong xuôi các bản hợp đồng thì toàn bộ giấy tờ: Căn cước công dân, cà vẹt xe, bằng lái, “chủ nợ” đều giữ và kể từ phút đó “con nợ” không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào bên mình nếu muốn lấy lại giấy tờ tùy thân chỉ có một cách đó là hoàn trả số tiền vừa vay đúng hạn. Mặc dù hợp đồng được hoàn tất nhưng đó chưa phải là một giao dịch đã hoàn thành, bởi “con nợ” cần phải làm thêm 3 việc nữa trước khi cầm tiền trong tay.
Đầu tiên bên cho vay sẽ yêu cầu “con nợ” cung cấp ít nhất 2 số điện thoại người thân và yêu cầu “con nợ” bấm gọi bật loa ngoài cho Hùng nghe xem các số điện thoại vừa cung cấp có đúng sự thật hay không. Tiếp theo Hùng sẽ đưa một số điện thoại mà theo Hùng đó là sếp anh ta và “con nợ” một lần nữa phải gọi vào số vừa được Hùng cung cấp và nói với nội dung: “an ạ! Em đang ngồi làm việc với Hùng và nhờ vay số tiền 5 triệu anh ạ!” đầu dây bên kia xác nhận ok thì sẽ đến công đoạn con nợ ngồi yên để bên cho vay chụp một tấm ảnh chân dung để nhận diện nếu có sự cố “con nợ” không trả tiền. Công đoạn cuối cùng đó là chính Hùng sẽ theo người vay tiền về tận địa chỉ đang lưu trú như đã ghi trên bản hợp đồng để xác nhận sự thật. Khi mọi thứ đã chắc chắn, Hùng mới lấy ra số tiền 4 triệu đồng đưa cho chúng tôi thay vì 5 triệu như yêu cầu vay ban đầu rồi nói: “Bên em sẽ giữ lại tiền lời 10 ngày đầu tiên của anh là 750.000 đồng và 250.000 đồng tiền em tư vấn làm hồ sơ cho anh, đây là số tiền anh còn lại”. Sau đó Hùng nhanh chóng rời đi và không quên một câu chốt cuối: “Tới hạn nhớ trả cho bên em đúng số tiền nhá, làm ăn tụi em không ngại gì đâu” - một câu nói đầy hàm ý và hăm dọa “con nợ” rồi Hùng phóng xe đi.
Nhiều đường dây "tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, chỉ cần để lại comment số điện thoại và ngay lập tức có một cuộc gọi đến tư vấn hỗ trợ các gói dịch vụ "ưu đãi" vay nhanh
Đến hạn chưa kịp đóng lãi, “con nợ bị khủng bố”
Mặc dù rất bất ngờ với cách thức cho vay tiền nhanh của băng nhóm “tín dụng đen” nhưng chúng tôi càng bất ngờ hơn khi kỳ đóng lãi suất sau 10 ngày đến gần nhưng chưa kịp mang tiền đến nơi hẹn để nộp thì có rất nhiều số điện thoại lại gọi tới máy của chúng tôi, dù tôi đã xin khất vài tiếng vì đang đi làm xa chưa tới kịp, nhưng đầu dây bên kia chỉ nói vỏn vẹn một câu đầy lạnh lùng: “tôi không cần biết, bận là việc của anh, tôi muốn nhận được tiền của tôi ngay bây giờ”. Cho dù tôi có hứa chắc rằng cho tôi thêm 2h để di chuyển từ chỗ làm tới điểm hẹn đóng tiền lãi, dù được chấp thuận nhưng tôi cũng nhận được câu đe sặc mùi xã hội đen “trốn không được đâu nhé! Ra đường xe cộ có chuyện gì không ai biết trước được đâu!”. Cuối cùng để đảm bảo sự an toàn cho bản thân, không phải chịu những cuộc điện thoại với những câu nói mang hàm ý “khủng bố” tinh thần, chúng tôi đã mang đủ số tiền cả gốc lẫn lời đến điểm hẹn để trả lại cho bọn chúng rồi nhận lại giấy tờ tùy thân của mình.
Nhiều đường dây "tín dụng đen" núp bóng doanh nghiệp để "lách luật"...
Liên quan đến vấn đề “tín dụng đen”, Thượng tá Nguyễn Quang Thắng – Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, tình trạng cho vay nặng lãi, "tín dụng đen” có nhiều diễn biến phức tạp. Trong năm 2018, công an TP đã bắt nhiều đối tượng cho vay nặng lãi. Các đối tượng ném chất bẩn vào nhà, khủng bố người vay, người thân người vay để đòi nợ, lãi suất cao. Công an TP đánh giá tình hình an ninh trật tự trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, nổi lên là các vụ việc liên quan tới tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Qua đây, lực lượng chức năng khuyến cáo, để các băng nhóm này không hoành hành thì việc người dân - nhất là những người buôn bán nhỏ, xe ôm, người lao động nghèo - nên ý thức hơn trong việc vay mượn, tránh trở thành nạn nhân của chúng.
Về xử lý hình sự: Liên quan đến hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ hỗ trợ tài chính theo kiểu “tín dụng đen”, BLHS năm 2015 quy định về 2 tội phạm: Điểm k, khoản 1 Điều 206 BLHS quy định tội phạm với cấu thành như sau: Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật tổ chức tín dụng, mà gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, các cá nhân, pháp nhân kinh doanh dịch vụ hỗ trợ hỗ trợ tài chính thực hiện hành vi cho vay nặng lãi khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý về tội “Cho vay nặng lãi” theo quy định của Điều 201, BLHS năm 2015. Ngoài ra, các hành vi kèm theo khi tổ chức đòi nợ, siết nợ thuê, gây thương tích cho người khác, gây rối trật tự công cộng… khi đủ yếu tố sẽ bị xử lý theo tội phạm tương ứng.
Về xử lý hành chính: Để kinh doanh cho vay tín dụng, cho vay tiền, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh phải được cấp giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và đăng ký kinh doanh theo đúng quy định. Nếu không đảm bảo các quy định thì bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đối với hành vi hoạt động không có giấy phép theo khoản 6, Điều 4, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Ngoài ra, các cơ sở này sẽ bị xử phạt hành chính nếu có hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP và Nghị định 185/2013/NĐ-CP khi có hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.