CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:52

Xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh): Trong ngàn gian khó càng tỏ niềm tin

 

Người dân xã Thạch Bàn làm giao thông nông thôn.


Năm Giáp Thìn (1964) xã Thạch Bàn được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Thạch Đỉnh để tập trung cho chuyên canh làm nghề muối. Vào thời điểm đó nếu không có nghề muối làm phương tiện “cứu cánh” thì người dân Thạch Bàn không có con đường mưu sinh nào khác hơn. Vậy nhưng, để làm ra được hạt muối không những bà con diêm dân phải một nắng, hai sương dầm mình trên những đồng muối tối ngày, mà cuộc sống của họ vẫn hết sức bấp bênh. Bởi Thạch Bàn thường xuyên đối mặt với thiên tai lũ lụt mỗi khi mùa mưa lũ đến, mà kéo theo đó là những con sóng triều cường điên dại sẵn sàng giật toang cả tuyến đê bao nhỏ bé bất cứ lúc nào để tràn vào đập phá những đồng muối mong manh, và dìm đi bao xóm thôn đói nghèo trong giây lát.

Hơn nửa thế kỷ đi qua, lịch sử của Thạch Bàn là lịch sử của đấu tranh chống lại thiên tai lũ lụt và vất vả và đói nghèo. Vậy nhưng, bây giờ khi mà những đồng muối đang bị bỏ hoang bởi giá thành đầu ra thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư đầu vào, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đang vắt óc tìm ra hướng đi mới trên con đường phát triển kinh tế - xã hội. Và thực tế trên lộ trình mới, thực sự trong những năm qua Thạch Bàn đã tạo ra được những bước ngoặt hết sức quan trọng làm thay đổi diện mạo quê hương, trong đó có việc cải tạo một số diện tích đồng muối chuyển sang làm ao hồ nuôi thủy sản; khai thác đá tại rú Nam Giới; hình thành các mô hình trang trại chăn nuôi bò, dê…

Những tưởng những cuộc cách mạng kinh tế đó sẽ sớm đưa Thạch Bàn thoát khỏi nghèo đói, thì một lần nữa địa phương này phải đứng trước những thách thức rất lớn, bởi xã nằm trong diện quy hoạch thuộc vùng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Vì mỏ sắt chưa đi vào khai thác, và cũng chưa biết đích thực có tiếp tục khai thác hay không? Khai thác vào thời điểm nào? Vì thế cho nên không những người dân mà ngay chính quyền địa phương cũng nằm trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Chính vì nằm trong quy hoạch của dự án nên các chính sách đầu tư về địa phương cũng bị cắt giảm; người dân không được phép làm nhà ở hoặc cơi nới nhà ở để an cư lạc nghiệp… tất cả vô hình dung càng khiến cho bộ mặt làng quê nông thôn Thạch Bàn kém phát triển hơn so với nhiều địa phương khác ở Thạch Hà nói riêng và Hà Tĩnh nói chung .

Mặc dù đứng trước bối cảnh trên, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạch Bàn vẫn quyết tâm phấn đấu vượt qua tìm hướng đi cho riêng mình, nhằm thay đổi diện mạo quê hương. Đặc biệt, xuyên suốt trong các hoạt động của địa phương hiện nay, Thạch Bàn quan tâm tới chính sách chuyển đổi nghề, chính sách hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, chính sách hỗ trợ miễn học phí cho con em học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển; lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; hỗ trợ các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế; vận động các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội xây dựng các mô hình kinh tế gia trại, tổ hợp sản xuất theo hướng bền vững…

 

Mô hình nuôi tôm nước lợ trên cát ở xã Thạch Bàn.


Với những động thái tích cực đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Thạch Bàn đã sản xuất được 180 tấn muối; nuôi trồng thủy sản đạt 120 tấn; đóng mới một tàu đánh cá có công suất dưới 90 CV đủ điều kiện đánh bắt xa bờ, nâng tổng số tàu thuyền của xã lên 24 chiếc. Hiện tại toàn xã có 550 con trâu bò, 255 con dê và hươu; khoảng 60 lao động làm nghề khai thác đá khắp nơi trên địa bàn toàn tỉnh với thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/tháng; khoảng 450 lao động làm nghề xây dựng trên khắp địa bàn toàn tỉnh với thu nhập bình quân từ 5 triệu đến 5,5 triệu đồng/tháng/; khoảng 250 lao động làm việc tại các doanh nghiệp khắp nơi trên cả nước với thu nhập bình quân từ 5 triệu đến 5,5 triệu đồng/tháng; khoảng 117 lao động đang làm việc tại thị trường lao động nước ngoài; và hàng nhiều tầng lớp người dân khác đang tham gia các dịch vụ vận tải, buôn bán và sản xuất kinh doanh nhành nghề phụ khác  tại địa phương đảm bảo cuộc sống.

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay Thạch Bàn đã thực hiện tốt công tác chỉnh trang vườn hộ, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xóa vườn tạp; giải phóng mặt bằng được 500m làm đường giao thông nông thôn (GTNT), làm được 500m đường GTNT bê tông và 120m mương cứng thoát nước; vận động bà con nhân dân hiến hàng trăm mét vuông đất, hàng ngàn cây các loại để làm các công trình GTNT; huy động được 3.000 lượt ngày công và hơn 2 tỷ đồng để xây dựng NTM trên tinh thần phấn đấu về đích NTM cuối năm 2019-2020.

 

Khởi công xây nhà ở cho hộ chính sách ở xã Thạch Bàn.


Ngoài ra, từ đầu năm tới nay Thạch Bàn còn hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà Văn hóa thôn Tân Phong; khảo sát lập báo cáo kỷ thuật tổng dự toán xây dựng hàng rào Trường tiểu học; khởi công xây dựng công trình mương cấp nước phục vụ sản xuất muối từ thôn Vĩnh Sơn đến thôn Thanh Long thuộc dự án SRDP với chiều dài 410m với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng; xây dựng nhà bi tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ với số tiền 615 triệu đồng bằng nguồn vốn huy động tiền đóng góp của bà con nhân dân và con em xa quê. Các lĩnh vực khác như: Tài nguyên- Môi trường; Văn hóa xã hội; An ninh, Quốc phòng; Cải cách hành chính… đều đạt những thành tích tốt, tạo nên không khí thi đua sôi nổi.

Có thể nói Thạch Bàn hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nhưng những gì mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đang đi đúng quỹ đạo. Điều đó  cho thấy bóng dáng một vùng đất có thừa tiềm lực để vươn xa hơn nữa trên con đường vượt qua đói nghèo, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. 

 

Thi công công trình kênh mương cứng nông thôn mới ở Thạch Bàn.


NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh